Người dân mất ăn mất ngủ vì sông Thạch Hãn sạt lở

Người dân sinh sống dọc sông Thạch Hãn lo lắng trước tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều người dân sinh sống bên dòng sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) lo lắng, mất ăn mất ngủ trước tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của họ.

Nỗi lo sông nuốt nhà dân

Dọc dòng sông Thạch Hãn đoạn qua địa phận thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong còn nham nhở những vết rạn nứt của đất, nhiều nơi sông khoét sâu vào khu dân cư.

Riêng tại xã Hải Lệ người dân vẫn nhắc lại trận sạt lở kinh hoàng xảy ra năm 2022 khiến một người tử vong và nhiều căn nhà sụp xuống sông trong ngày nước dữ.

Tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn ngày một nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN DO

Ông Ngô Thực (60 tuổi, trú tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) cho biết sạt lở khiến mép bờ sông Thạch Hãn đã vào sát mái hiên phía sau của nhà ông. Tình trạng này diễn biến ngày một phức tạp.

"Từ năm 2009 đến nay, bờ sông Thạch Hãn đoạn phía sau nhà tôi đã bị sạt lở vào gần 10m. Sạt lở ngày càng phức tạp và tốc độ nhanh hơn. Riêng năm 2022 đã sạt lở vào bờ thêm khoảng 4 m" - ông Thực lo lắng.

Từ xã Hải Lệ, xuôi dòng sông Thạch Hãn khoảng 25km, nhà bà Cao Thị Huyền (58 tuổi, ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) cũng mất ăn mất ngủ vì nỗi lo sạt lở đất.

Bà Cao Thị Huyền phản ánh tình trạng sạt lở đất tại vườn nhà mình. Ảnh: NGUYỄN DO

Bà Huyền cho biết trước đây bờ sông Thạch Hãn cách thửa đất của gia đình bà khoảng 20m. Hiện tại, mép bờ sông đã nằm kề ngay gian bếp của gia đình bà.

"Mấy năm nay, trong nhà tôi đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Vì sạt lở khiến đất sụt dần về phía bờ sông tạo ra sự chênh lệch về nền đất, nghiêng về phía bờ sông gây nứt các bức tường, nền nhà. Gia đình tôi đang rất lo sông nuốt mất nhà" - bà Huyền nói.

Ông Thực, bà Huyền cũng như hàng trăm người dân khác vẫn luôn mong mỏi cơ quan chức năng sớm triển khai các biện pháp khắc phục sạt lở, để người dân được an tâm sinh sống, đặc biệt là mỗi khi mùa lũ về.

Đang triển khai khắc phục sạt lở

Ông Nguyễn Văn Lanh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Lệ cho biết, trước tình trạng sạt lở đất, hàng năm chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đều tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng để chủ động xây dựng các phương án ứng phó.

"Các thôn đã có sẵn danh sách những gia đình sinh sống trong khu vực sạt lở để chủ động di dời đến nơi tránh trú mỗi khi gặp thời tiết bất lợi" - ông Lanh nói.

Người dân mong muốn dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Thạch Hãn sớm được triển khai. Ảnh: NGUYỄN DO

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay ngày 26-3-2024, tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng, chiều dài khoảng 5,21 km và được chia thành 13 đoạn qua địa bàn tám xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong.

Vườn tược của người dân bị sạt xuống sông. Ảnh: NGUYỄN DO

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện tại đơn vị đang triển khai, sớm hoàn thành các thủ tục và dự kiến sẽ tổ chức thi công dự án vào tháng 6-2024.

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-mat-an-mat-ngu-vi-song-thach-han-sat-lo-post784502.html