Người cắt nghĩa…mùi hương

Như nhiều người, lão nông Đỗ Đình Ý, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chưa bao giờ nghĩ mình lại khởi nghiệp ở tuổi này. Ông đã gần chạm đến cái tuổi thất thập rồi, nên ông nghĩ không còn thời gian để làm giàu nữa mà chỉ mong để lại…dấu ấn cá nhân thôi!

Gian nan câu chuyện học nghề

Dấu ấn cá nhân mà lão nông Đỗ Đình Ý muốn khẳng định là chế biến tinh dầu từ cây hương nhu. Cái nghề mà ông gọi là nghề "cắt nghĩa mùi hương". Trên thị trường, chỉ nghe thấy nhiều về tinh dầu sả, tinh dầu cam, tinh dầu tràm…chứ ít người nghe tên tinh dầu hương nhu. Lão nông này cười bảo, ít nghe là bởi ít người làm, vì thật ra tinh dầu hương nhu trên thị trường vừa hiếm, vừa khá đắt đỏ, trong khi đó nếu xét về công dụng lại không hề ít. Rồi ông liệt kê ra, như giúp mọc tóc hiệu quả, chăm sóc tóc khỏe mạnh, chữa cảm nắng, sốt nóng lạnh, hôi miệng, sát khuẩn vết thương, tăng sức đề kháng, điều trị viêm khớp, đau nhức cơ thể, xông hương nhu khử mùi và thư giãn, tốt cho hệ tiêu hóa và có thể làm nước hoa tự nhiên…

Ông Đỗ Đình Ý (bên trái) thăm vườn hương nhu đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.

Ông Đỗ Đình Ý (bên trái) thăm vườn hương nhu đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.

Ông bảo, thật ra cái nghề này ông học và làm từ những năm 1989, nghĩa là đã cách đây tròn 30 năm. Nghề này xuất phát từ Hải Phòng, Hưng Yên. Thời bấy giờ, tinh dầu hương nhu được sản xuất trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Ông Đỗ Đình Ý là người Thái Bình, nhưng mỗi lần có dịp về quê, ông lại bắt xe sang Hải Phòng học nghề. Đến lúc tưởng như đã thạo nghề, ông về quê xây 1 lò chế biến tinh dầu để có thể kiếm tiền từ cái nghề này nuôi 4 đứa con mọn.

Nhưng hóa ra nghề chơi cũng lắm công phu. Một năm trời xoay xở, nhưng ông không chưng cất thành công mẻ tinh dầu nào. Ông không tính đếm được mình đã đổ đi bao nhiêu nồi tinh dầu vì không đúng mùi; cũng không tính được mình đã phải thay bao nhiêu chiếc nồi chưng cất vì cháy khét đáy, bởi ông chưa ước lượng được nhiệt độ đủ để nấu được tinh dầu. Tuyên Quang ngày ấy cũng không có thợ nào có thể đóng được một chiếc nồi đúng tiêu chuẩn để chưng cất tinh dầu. Thành ra, mấy năm kẽo cọt về quê, ông chỉ biết được có một thứ nghề như thế, còn làm thế nào để theo được nghề thì ông vẫn hoàn toàn...mù tịt.

Không đành lòng, ông Đỗ Đình Ý về Hải Phòng mời một thầy chế biến tinh dầu lên Tuyên Quang dạy nghề trong vòng 1 năm. Ông cũng về Hải Phòng đặt thợ đóng riêng cho 1 chiếc nồi để chưng cất tinh dầu và chuyển xe khách từ Hải Phòng lên Tuyên Quang. Có kiến thức, có đồ nghề, ông Ý chính thức bước chân vào cái nghề "cắt nghĩa mùi hương". Có tinh dầu, ông kết nối với những tên tuổi lớn ở Hải Phòng, Hưng Yên để có chung đầu ra.

Lò chưng cất tinh dầu hương nhu của gia đình ông Đỗ Đình Ý.

Lò chưng cất tinh dầu hương nhu của gia đình ông Đỗ Đình Ý.

Ước mơ về một thương hiệu riêng biệt

Theo nghề đến những năm 2005 – 2007 thì ông dừng lại, do thị trường đã bị thu hẹp. Thời gian này, ông cùng vợ con làm đủ thứ nghề, từ nuôi lợn, nuôi ong đến nuôi thỏ. Giờ trong chuồng nhà ông vẫn còn dăm chục con lợn, con thỏ; dưới những tán cây quanh vườn vẫn còn xếp dăm chục đõ ong, nhưng ông không đành lòng bỏ cái nghề mà ông đã kỳ công theo học từ những năm bao cấp.

Năm 2017, ông quyết định thuê hơn 1 ha đất trồng hương nhu làm nguyên liệu chế biến, rồi ông đắp lại lò, thuê người đóng lại chiếc nồi để tiếp tục cho ra lò những mẻ tinh dầu hương nhu mới. Đồng thời, liên kết với 4-5 hộ trong thôn trồng hương nhu để có nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến. Mỗi năm, hương nhu của gia đình ông cho thu hoạch 3 lần, mỗi lần chưng cất được từ 120 - 140 lít. Mỗi lít bán ra thị trường có giá từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng/ lít. Ông bảo, cái nghề này ông thành thục từ năm 1989, đúng năm sinh cậu con trai út Đỗ Đình Duy, nên lần này khởi động lại Duy cũng mày mò học và theo nghề.

Duy bảo, những năm đầu mới kết hôn, anh cũng chưa nghĩ đến chuyện theo nghề cha đâu mà thích tự lập, tự tìm con đường đi của riêng mình. Duy tập trung xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại. Nhưng chỉ được một hai lứa, chăn nuôi lợn liên tục gặp khó, khi thì giá chạm đáy, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành… Càng làm càng lỗ, Đỗ Đình Duy nghĩ nếu không theo nghề cha, mình cũng chỉ là anh nông dân cắm cúi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trong khi công việc của người cha già có nguy cơ thất truyền nếu không có người theo học.

Anh Đỗ Đình Duy (bên trái) kiểm tra sản phẩm tinh dầu hương nhu trước khi đưa ra thị trường.

Anh Đỗ Đình Duy (bên trái) kiểm tra sản phẩm tinh dầu hương nhu trước khi đưa ra thị trường.

Giờ thì 2 cha con ông Đỗ Đình Ý, Đỗ Đình Duy đã trở thành những người tiên phong chế biến tinh dầu hương nhu không chỉ ở Tú Thịnh mà cả trong toàn huyện Sơn Dương. Lão nông Đỗ Đình Ý bảo, mỗi vụ chưng cất lại có hàng chục gia đình đến nhà ông theo học nghề. Không giấu nghề, biết đến đâu ông truyền lại cho bà con đến đấy. Ngay cả thợ đóng nồi ông cũng giới thiệu cho bà con những thợ có tay nghề tốt nhất.

Giờ ở Đông Thịnh đã có 4-5 nhà cũng theo nghề chế biến tinh dầu hương nhu. Diện tích hương nhu của cả thôn giờ đã có trên 20 ha. Mong muốn của lão nông Đỗ Đình Ý giờ là thành lập được một hợp tác xã sản xuất, tinh chế tinh dầu hương nhu của Đông Thịnh. Đồng thời, xây dựng được nhãn hiệu tinh dầu riêng biệt của mình để sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ông bảo, vì lâu nay không có thương hiệu, sản phẩm của ông chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng với giá chưa đến 1/3 so với giá bán của sản phẩm cùng loại, nhưng có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ông minh chứng, lọ tinh dầu khoảng 30ml ông bán 50 nghìn đồng, nhưng trên thị trường đang rao bán với giá 180 nghìn đồng.

Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh Trương Ngọc Khởi cho biết, tinh dầu hương nhu hiện đã được xã lựa chọn là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cùng với sản phẩm gà sạch Minh Tâm, bánh khảo Sơn Thủy. Thời gian tới, cùng với hỗ trợ các thủ tục thành lập hợp tác xã, UBND xã sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu đối với sản phẩm này. Mục tiêu của Tú Thịnh là không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà đây còn là điểm tựa để các sản phẩm của Tú Thịnh được định hình và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-cat-nghia%E2%80%A6mui-huong-122564.html