NGND đầu tiên ở Yên Bái tâm niệm GD không chỉ bằng trí óc mà còn bằng trái tim

Cô Hạnh luôn tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ được đón nhận bằng trái tim.

Trải qua 34 năm miệt mài ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (tỉnh Yên Bái) vẫn giữ cho mình ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.

Năm 2024, cô giáo Vũ Thị Hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cô cũng là giáo viên đầu tiên của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu cao quý này.

 Cô giáo Vũ Thị Hạnh trong buổi lễ kết nạp Đảng viên cho học sinh. Ảnh: NVCC

Cô giáo Vũ Thị Hạnh trong buổi lễ kết nạp Đảng viên cho học sinh. Ảnh: NVCC

Đánh thức những tiềm ẩn “đặc biệt” bên trong những “cá biệt”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hạnh bồi hồi: “Lòng tôi trào dâng niềm xúc động xen lẫn sự lo âu. Xúc động bởi đây là một vinh dự vô cùng to lớn, lo âu bởi từ nay trách nhiệm của mình sẽ lớn hơn, phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã phong tặng”.

Từ thuở thơ ấu, cô Hạnh đã ấp ủ ước mơ thiêng liêng - trở thành một nhà giáo. Ước mơ ấy nhen nhóm từ ngày cô chơi trò dạy học cùng các bạn, khi nhìn hình ảnh các thầy cô tận tụy dìu dắt học trò.

Lớn lên, mang theo khát vọng cháy bỏng, cô Hạnh miệt mài đèn sách theo đuổi ước mơ ấy, vượt qua mọi khó khăn, trở thành một trong hai học sinh của trường cấp 3 Văn Yên (nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An) thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Lúc bấy giờ, huyện Văn Yên quê hương cô vẫn còn là huyện vùng cao gian khó, mỗi năm, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học chính quy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Sinh ra và lớn lên tại Văn Yên, rồi được trở về, trở thành đồng nghiệp của thầy cô mình, được cống hiến cho mảnh đất quê hương là niềm hạnh phúc nhất đời tôi”, cô Hạnh tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1990, cô Vũ Thị Hạnh được điều về giảng dạy tại chính ngôi trường cấp 3 Văn Yên và gắn bó từ ngày đó đến nay. Trải qua 34 gắn bó với mái trường, cô Hạnh đã dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục quê hương.

 Cô Hạnh cùng học sinh học tập tại không gian thư viện của trường. Ảnh: NVCC

Cô Hạnh cùng học sinh học tập tại không gian thư viện của trường. Ảnh: NVCC

Trong buổi trò chuyện đầy xúc động, cô Hạnh đã mở lòng chia sẻ về những học trò đặc biệt được cô dang rộng vòng tay che chở, yêu thương như chính con đẻ của mình.

Đó là câu câu chuyện về cậu học trò dân tộc Tày ở xã Đông Cuông, trước đây, em là một học sinh cá biệt, lười học, thường xuyên ngủ quên và trốn tiết. Bố mẹ em đã nhiều lần khuyên bảo, răn dạy nhưng vẫn không thể tiến bộ, đành bất lực để em nghỉ học về nhà làm nương rẫy.

Nhận thấy em có trí óc thông minh nhưng mải chơi, bỏ bê việc học, với lòng yêu thương và trách nhiệm của một giáo viên, cô Hạnh luôn trăn trở, tìm cách níu chân học trò ở lại trường lớp. Cô đã chủ động đến gặp gỡ gia đình, thuyết phục cho em tiếp tục đi học. Không những vậy, cô còn đón em về ở cùng gia đình mình, tạo điều kiện cho em học tập và nuôi dưỡng trong môi trường đầy yêu thương.

Căn nhà gỗ đơn sơ là không gian sống của 2 vợ chồng và 1 đứa con nhỏ, giờ đây lại náo nhiệt hơn với sự xuất hiện của cậu học trò đặc biệt. Cậu bé mang đến cho cuộc sống của gia đình cô những xáo trộn không nhỏ.

Cô Hạnh nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đón cậu học trò về ở cùng: “Nhiều đêm, tôi trằn trọc không ngủ, lo lắng vì không thấy học trò về nhà. Cậu bé thường xuyên mải mê chơi bi-a đến khuya. Nửa đêm, tôi và chồng phải cùng nhau đi tìm con, lòng đầy lo âu và nhiều lúc cảm giác bất lực”.

Bất chấp những khó khăn, thử thách, cô Hạnh không hề nản lòng. Cô dành cho cậu học trò tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến, mong muốn giúp cậu bé thay đổi và trưởng thành. Mỗi ngày, cô đều dành thời gian để trò chuyện, tâm sự với cậu học trò, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của em. Cô cũng kiên nhẫn kèm cặp em học tập, động viên em vượt qua những tháng ngày khó khăn ấy.

Tình yêu thương và sự kiên trì của cô Hạnh dần dần gieo mầm yêu thương trong tâm hồn cậu học trò nhỏ. Cậu bé bắt đầu nhận ra những thiếu sót của bản thân, chăm chỉ học tập hơn và có những chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện.

Từng tháng ngày vất vả, từng đêm thức trắng kèm cặp cho cậu học trò đặc biệt giờ đây đã được đền đáp xứng đáng.

“Cậu bé ấy đã không chỉ hoàn thành chương trình lớp 12 mà còn thi đỗ Trường Đại học Lâm nghiệp, giờ lập nghiệp rất thành công bên những cánh rừng bạt ngàn tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Năm nào con cũng về thăm cô và coi cô như người mẹ thứ hai”, cô Hạnh chia sẻ với niềm tự hào xen lẫn sự xúc động.

Nhìn cậu học trò rụt rè ngày nào giờ đã trở thành chàng trai thành công, tự tin, cô Hạnh không khỏi bồi hồi xúc động. Niềm hạnh phúc của người gieo mầm nay đã đơm hoa kết trái, ngọt ngào và viên mãn. Câu chuyện về cô Hạnh và cậu học trò đặc biệt là minh chứng cho tình yêu thương và sự hy sinh cao cả của người giáo viên.

Thấu hiểu học trò, giáo dục bằng tình thương là cách để cô giáo Hạnh “cảm hóa” những cậu học trò cá biệt.

Một học sinh khác khi mới vào Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, em mải mê chơi điện tử, bỏ bê học hành, thường xuyên trốn nhà đi chơi.

Nhìn thấy cậu học trò thông minh nhưng ham chơi quên đi nhiệm vụ học tập, cô Hạnh trăn trở và quyết tâm giúp đỡ em. “Gia đình không thể lúc nào cũng quản em cả ngày, có những lúc phải tìm cách giữ em trong nhà để không ra quán game”, cô chia sẻ với giọng đầy xót xa.

Là giáo viên dạy môn Sinh học, cô nhận ra cậu học trò này của mình có năng khiếu đặc biệt với bộ môn này. Từ đó, cô dành nhiều thời gian quan tâm, động viên, khích lệ em, biến niềm đam mê chơi điện tử của em thành niềm đam mê học tập.

Dẫu bận rộn với công việc và gia đình, cô Hạnh vẫn dành nhiều buổi tối để kèm cặp cậu học trò ấy, cùng em học tập, giải đáp thắc mắc, và đặc biệt là luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của em, động viên em vượt qua.

Nhờ sự quan tâm, yêu thương và sự kiên trì của cô Hạnh, cậu học trò dần thay đổi. “Nếu như trước đây em nghiện điện tử thì giờ em chuyển sang “nghiện” môn Sinh học”, cô chia sẻ với niềm vui sướng.

Nỗ lực hai cô trò đã được đền đáp xứng đáng. Lớp 11 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, lớp 12 em đạt giải Ba cấp Quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội.

Hiện tại, em đã trở thành Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa Nội Thần kinh và công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. “Học trò đã ra trường bảo tôi, lúc nào cần cô cứ gọi chúng em, các học trò của tôi theo đủ ngành nghề nhưng nhiều nhất là bác sĩ. Giờ tôi là người hạnh phúc nhất bởi các trò là tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ đang công tác khắp các bệnh viện lớn trên cả nước, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe cô giáo”, cô Hạnh tự hào chia sẻ.

Thành công của cậu học trò đã chứng minh rằng tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành người có ích cho xã hội.

 Ở vị trí quản lý, cô Hạnh cùng tập thể cán bộ, giáo viên đưa Trường Trung học phổ thông Chu Văn An nâng cao chất lượng và đạt được nhiều thành tích. Ảnh: NVCC

Ở vị trí quản lý, cô Hạnh cùng tập thể cán bộ, giáo viên đưa Trường Trung học phổ thông Chu Văn An nâng cao chất lượng và đạt được nhiều thành tích. Ảnh: NVCC

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, tình trạng học sinh vùng cao bỏ học giữa chừng vẫn là bài toán nan giải mà nhà trường và chính quyền địa phương cần chung tay giải quyết, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục.

Luôn trăn trở vấn đề này, trên cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cô Hạnh cho biết: “Có thể chia thành ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh bỏ học. Nhóm đầu tiên là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện cho các em theo học. Nhóm thứ hai là do thiếu sự quan tâm từ gia đình, khiến các em dễ sa đà vào tệ nạn xã hội. Nhóm cuối cùng là do lực học yếu và thiếu động lực học tập, dẫn đến chán học và bỏ học”.

Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học là mục tiêu mà Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và các trường học vùng cao luôn hướng đến. Là một người dày dặn kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục và nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Hạnh nhận định vai trò của các thầy cô, đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Thầy cô chủ nhiệm cần phải quan tâm, chia sẻ, yêu thương học trò, tạo cho các em sự tin tưởng để có thể tâm sự về những khó khăn trong cuộc sống”, cô Hạnh chia sẻ.

Thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, cô Hạnh luôn tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim. “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ được đón nhận bằng trái tim”, cô khẳng định.

Với sự yêu thương, quan tâm sâu sắc đến từng học trò, cô Hạnh đã cùng tập thể nhà trường triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để động viên các em tiếp tục đến lớp. Nhờ những nỗ lực đó, tỉ lệ học sinh bỏ học tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã giảm đáng kể trong 5 năm qua, từ 2% giảm xuống còn 0.5% trong năm học 2023 - 2024.

Nỗi niềm của người gieo mầm tri thức

Miệt mài cống hiến cho ngành giáo dục, với cô Hạnh, đó là niềm hạnh phúc. Nhưng phía sau những hi sinh thầm lặng ấy là nỗi niềm khó bày tỏ cùng ai.

Cô Hạnh nghẹn ngào chia sẻ câu chuyện về cô con gái nhỏ hồi học lớp 2, khi được 10 điểm môn Tiếng Việt với đề bài kể về người thân yêu nhất, nhưng điểm 10 ấy lại được con giấu kín.

Sau nhiều lần gặng hỏi, cô mới biết, con gái viết về bố vì con không có gì để nói về mẹ. Mẹ thường xuyên đi công tác, không thể đưa đón con đi học, cũng chẳng có thời gian cho con đi chơi. Khi biết được tâm tư của con gái, cô Hạnh đã trăn trở, suy tư rất nhiều.

Vì vậy, cô luôn sắp xếp thời gian khoa học để cân bằng giữa gia đình và công việc. Ngay từ khi các con còn nhỏ, cô đã rèn cho con có tính tự lập để tự lo cho bản thân khi không có mẹ ở bên. Dù bận rộn đến mấy, cô cũng luôn dành thời gian gần gũi, tâm sự và dạy dỗ con gái, khuyến khích con chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ để kịp thời nhận được sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn thay đổi tâm lý tuổi mới lớn.

Trò chuyện với tôi, ánh mắt cô Hạnh toát lên niềm hạnh phúc, và nói rằng: “Tôi đã rất may mắn có một người chồng thấu hiểu và thông cảm với công việc của vợ. Anh ấy luôn là người đồng hành, chia sẻ gánh nặng gia đình và nuôi dạy con cái. Đồng thời, anh ấy cũng là nguồn động viên, khích lệ, giúp tôi tìm phương án giải quyết mỗi khi gặp những khó khăn trong công việc.”

Một nhà giáo tận tâm, nhà quản lý giáo dục giỏi

Trưởng thành trong thực tiễn giáo dục, từ một giáo viên dạy môn Sinh học, đến năm 2006 cô Vũ Thị Hạnh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh Yên Bái.

Gần 20 năm trên cương vị Phó hiệu trưởng, cô đã luôn quan tâm sâu sắc đến mọi hoạt động của trường và của các tổ chức đoàn thể, đi đầu là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.

Cùng với đó, cô luôn tiên phong trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.

 Cô Hạnh (áo xanh) cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Cô Hạnh (áo xanh) cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, cô Vũ Thị Hạnh thường xuyên được các phòng chuyên môn của Sở (Phòng Giáo dục Trung học, Thanh tra Sở) huy động tham gia các đoàn kiểm tra ở các đơn vị trường, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh về công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học.

Nổi bật, nhiều năm liên tục, cô Hạnh tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tính đến nay số giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia do cô trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng là 111 giải (102 giải cấp tỉnh, 9 giải cấp Quốc gia). Nhiều học sinh do cô Hạnh trực tiếp giảng dạy đã trở thành các bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo,..công tác ở nhiều lĩnh vực, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện để các đồng nghiệp và các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, từ năm 2007 đến nay, cô Vũ Thị Hạnh cũng đã đóng góp 15 sáng kiến cấp ngành và 5 sáng kiến đề tài cấp tỉnh.

14 năm liên tục cô Vũ Thị Hạnh được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 01 lần được công nhận Giáo viên giỏi cấp tỉnh; 5 lần được công nhận Giáo viên giỏi cấp cơ sở, 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 2 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; 7 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen. Năm 2017, cô Vũ Thị Hạnh được Chủ tịch nước Trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2020, cô Hạnh Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Với những đóng góp, nỗ lực, cô Hạnh đã 3 lần được Tỉnh trao tặng giải thưởng “Viên phấn vàng”, Kỷ niệm Chương vì sự nghiệp Giáo dục và chứng nhận phụ nữ “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”.

Cô Hạnh chia sẻ: "Để có được niềm hạnh phúc lớn lao này, tôi xin gửi những lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, là các thế hệ nhà giáo Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã quan tâm, tạo điều kiện cho tôi cơ hội được học tập, được cống hiến, được phát huy hết năng lực, sở trưởng của mình.

Cảm ơn sự tín nhiệm của anh chị em bạn bè đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và các thế hệ học sinh thân yêu, các em chính là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày.

Cảm ơn gia đình nhỏ của tôi, nơi có cha, mẹ, chồng, con, anh, chị, em… những người thân yêu luôn âm thầm hy sinh, giúp đỡ, động viên để tôi toàn tâm, toàn ý với công việc của mình".

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngnd-dau-tien-o-yen-bai-tam-niem-gd-khong-chi-bang-tri-oc-ma-con-bang-trai-tim-post244152.gd