Nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra để thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng, thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật.

Cơ bản tán thành các quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để quán triệt và thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra.

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật.

Tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành giữ mô hình hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra 3 cấp như hiện hành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, lập luận đầy đủ, thuyết phục nội dung còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức Thanh tra huyện để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung trong Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực của cơ quan thanh tra để thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tán thành việc quy định trong Luật về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra sở và thanh tra chuyên ngành ở một số cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước, nhưng bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Sở, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành”, Thông báo nêu.

Tán thành có cơ chế hỗ trợ kinh phí để nâng cao năng lực hoạt động thanh tra

Về hình thức thanh tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định 2 hình thức thanh tra, gồm thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; có quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành để vừa bảo đảm cho hoạt động thanh tra được thực hiện chính quy, bài bản, chuyên nghiệp vừa phù hợp với đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng Định hướng, kế hoạch thanh tra, kế hoạch hoạt động của Kiểm toán nhà nước nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm toán có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp.

Bảo đảm từng cơ quan thực hiện hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ lẫn nhau và sử dụng kết quả của nhau trong những trường hợp cần thiết; chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành có cơ chế hỗ trợ kinh phí để nâng cao năng lực hoạt động thanh tra nhưng cần bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hồ sơ dự án Luật sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh phải được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và Ủy ban Pháp luật để thẩm tra theo đúng thời hạn quy định trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghien-cuu-bo-sung-nhiem-vu-phong-chong-tieu-cuc-cua-co-quan-thanh-tra-139143.html