Nghi lễ rước vua giả có một không hai tại Hà Nội

'Chúa' múa kiếm, 'vua' ban lộc là nghi lễ độc đáo tại làng Thụy Lôi để tưởng nhớ vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa năm xưa.

Ngày 11 tháng Giêng hằng năm, dân làng Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) linh đình tổ chức lễ hội Đền Sái.

XEM CLIP:

Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành.

Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.

Lễ hội diễn ra cả ngày 11 tháng Giêng âm lịch từ 8h30 sáng với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra Đền Sái và ngược lại

Hội Đền Sái thu hút hàng trăm du khách từ các xã lân cận đổ về đón xem, kéo dài con kênh làng

Người vinh dự được dân làng chọn vào vai “vua” năm nay là ông Nguyễn Tất Phú (71 tuổi) là vị cao niên uy tín trong làng, gia đình gương mẫu, văn hóa, con cháu hạnh phúc, đuề huề. Ông Phú chia sẻ: “Để chuẩn bị cho buổi lễ long trọng này, tôi thường xuyên đi tập thể dục để có sức khỏe tốt nhất”

Sau khi được rước từ Đình làng, "Vua" làm lễ tế Cao Sơn Đại Vương tại đền Thượng còn "Chúa" thì bái ngài Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Sái. Sau đó, "Chúa" đi bộ về đền Thượng đón "Vua" và thực hiện nghi lễ chính thức

Người vào vai “chúa” là ông Lê Tràng Thắng (72 tuổi). "Chúa" được vẽ mặt đỏ để phân biệt với "vua". Ông Thắng (71 tuổi) xúc động chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự, hào hứng phấn khởi khi được bầu vào vai chúa. Trước ngày hội, tôi khá hồi hộp và lo lắng về thời tiết. Nếu trời mưa to gió lớn thì rất nguy hiểm. Thật may hôm nay trời thuận gió hòa, buổi lễ diễn ra tốt đẹp"

Trước khi vào lễ rước, "chúa" ra sau sân đền làm thủ tục chém gà tượng trưng. “Chúa” chém tiếp 3 nhát gươm gỗ vào một hòn đá và đổ bát tiết gà lên đá

Các vị bô lão được bầu làm “quan” đều trên 60 tuổi được ngồi võng cho 'lính' rước suốt hành trình

Trên đường về đình, “vua” thường xuyên ban lộc cho đoàn múa lân mua vui cho “vua” và “chúa”

Lễ rước chính kéo dài hơn 4 tiếng đã kết thúc, “Vua”, “Chúa” cùng các đại thần làm lễ tại đình làng Thụy Lôi

Phạm Mơ - Nguyễn Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/nghi-le-ruoc-vua-gia-den-sai-co-mot-khong-hai-tai-ha-noi-508226.html