Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Quảng Ngãi – Một hòa âm đầy hứng khởi cùng đất nước

Chiều ngày 24-02 (Ngày Tết nguyên Tiêu), Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Quảng Ngãi với chủ đề 'Bản hòa âm đất nước'. Đây là ngày hội tôn vinh các giá trị của thơ ca Việt Nam và những người làm thơ Việt Nam nói chung và các nhà thơ Quảng Ngãi nói riêng.

Đến dự Ngày Thơ năm nay có các đồng chí Đặng Ngọc Huy – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Hoàng Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi; Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể của tỉnh; các văn nghệ sĩ Hội VHNT tỉnh; gần 500 thầy cô giáo, học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn và đông đảo công chúng yêu thơ trong tỉnh.

Các đại biểu lãnh đạo tỉnh tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22

Các đại biểu và hội viên tham dự Ngày thơ

Các em học sinh tham dự Ngày thơ Việt Nam tại trường

Nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, TS. Nguyễn Đăng Vũ - Chủ Tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi phát biểu khai mạc

Nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, TS. Nguyễn Đăng Vũ - Chủ Tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Ngãi phát biểu nêu rõ: Trong lịch sử hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thơ ca luôn đồng hành với tiếng gươm khua, tiếng vó ngựa để giữ yên bờ cõi; với nhịp điệu hành quân băng rừng, vượt suối của bao lớp người bảo vệ non sông; với những chiếc thuyền câu ra khơi bám biển, xác lập chủ quyền; với những luống cày làm nên những cánh đồng màu mỡ; với những bước chân gồng gánh xuôi về phương Nam khai phá và định cư suốt nhiều thế kỷ qua, trong đó có vùng đất Núi Ấn - Sông Trà của chúng ta. Non sông Việt Nam liền một dải, yên bình như hôm nay, có lẽ có một phần đóng góp quan trọng của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ.

Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra chủ đề Ngày thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên tiêu năm 2024, là “Bản hòa âm đất nước”, có lẽ bắt đầu từ cách cách nhìn nhận ý nghĩa, vai trò của thơ ca rất đỗi thiêng liêng như vậy.

TS. Nguyễn Đăng Vũ cho chia sẻ: Qua 20 lần tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh, đây lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi được tổ chức tại một trường Phổ thông Trung học - là một trong số ít những ngôi trường tiêu biểu nhất của tỉnh nhà, cũng như của miền Trung và cả nước, đó là Trường Trung học Phổ thông Trần Quốc Tuấn. Đây cũng chính ngôi trường mà rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà thuộc nhiều thế hệ được học tập, được dìu dắt của bao lớp thầy cô giáo; và lần này, nhiều người trong số đó, lại được vinh dự trình bày thơ, nhạc, được trưng bày hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật tại sân trường mà các anh chị em đã từng gắn bó thời niên thiếu; thông qua Ngày thơ hôm nay chúng tôi tin rằng sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo của những người yêu thơ ca, các thầy cô giáo, đặc biệt là các em học sinh đang học trong một ngôi trường giàu truyền thống này; sẽ thêm một lần nhiều người trong chúng ta hiểu về đất nước, con người Việt Nam, con người Quảng Ngãi qua những vần thơ, những bài hát phổ thơ, những hình ảnh mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh đã bao năm ngược xuôi ghi lại trong hằng trăm hình ảnh của quê hương mình… Sau khi phát biểu, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Quảng Ngãi.

Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Quảng Ngãi.

Nghệ sĩ Lê Sinh Dân đọc bài thơ Nam Quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt

Chương trình là bản hòa âm giữa trình diễn thơ, âm nhạc, nhiều tác phẩm thơ của nhà thơ trong và ngoài tỉnh được ngân vang qua các tiết mục giao lưu trình diễn thơ của các văn nghệ sĩ và của các em học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn và công chúng yêu thơ trình diễn…. Trong đó, ca sĩ Quang Phúc, tốp ca nam nữ - hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi và nghệ sĩ Lê Sinh Dân đã làm sống dậy hào khí non sông trong những lời thơ Thần của danh tướng Lý Thường Kiệt qua phần trình diễn bài Nam Quốc sơn hà do nhạc sĩ Trần Xuân Tiên phổ nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng hòa âm phối khí. Đây cũng là tiết mục mở đầu cho “Bản hòa âm đất nước” với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về hình ảnh một dân tộc Việt Nam “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” hào sảng và bay bổng trong hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước của mình.

Nghệ sĩ Quang Phúc, hội viên ngâm thơ

Nhà thơ Thanh Thảo giao lưu cùng thầy cô giáo và học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn

Học sinh đặt câu hỏi để nhà thơ Thanh Thảo trả lời

Cô giáo Trường THPT Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi liên quan đến những bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo

Học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn đọc một bài thơ của nhà thơ Thanh Thảo

Đồng chí Đặng Ngọc Huy – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi - một tên tuổi lớn của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của rất nhiều những tập thơ, những trường ca nổi tiếng, một số bài thơ của ông đã được đưa vào sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. Trong Ngày Thơ năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng trình bày một phần trích trong bài thơ “Thử nói về hạnh phúc” của ông để cảm nhận rõ hơn về đất nước trong mỗi con người. Nhân dịp này quý thầy cô giáo, các em học sinh cùng giao lưu với nhà thơ Thanh Thảo để hiểu thêm về những tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy - học tập trong nhà trường phổ thông.

Nhác sĩ Nguyễn Văn Phượng trình bày một phần trích trong bài thơ "Thử nói về hạnh phúc" của nhà thơ Thanh Thảo

Đến với những giai điệu tự hào về đất nước của những người trẻ rất trẻ qua bài hát “Việt Nam trong tôi là...” - một sáng tác của Yến Lê do em Yến Thy - học sinh lớp 11B1 và tốp múa trường THPT Trần Quốc Tuấn trình diễn.

Em Yến Thy - học sinh lớp 11B1 và tốp múa trường THPT Trần Quốc Tuấn trình diễn

Nhà thơ Tế Hanh là một gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945 đầu Thế kỷ XX. Tên ông gắn liền với bài thơ Nhớ con sông quê hương (con sông Trà Bồng quê ông) bốn mùa trong xanh lộng gió, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn những người yêu thơ Việt Nam nhiều thế hệ. Ngày Thơ năm nay, mọi người tham dự lắng nghe một bài thơ nữa của ông viết về quê hương với những kỉ niệm da diết, bồi hồi - bài thơ Quê hương qua phần diễn ngâm của NSƯT Thy Lộc - hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi.

NSƯT Thy Lộc diễn ngâm bài thơ Quê hương của nhà thơ Tế Hanh

Với Nguyễn Ngọc Hưng dường như đã rất quen thuộc đối với những người yêu thơ Quảng Ngãi, Nguyễn Ngọc Hưng đã tựa vào thơ để vượt lên số phận khắc nghiệt của mình và qua thơ mình, anh hướng về những số phận khác với một tinh thần nhân văn đẹp đẽ. Bài thơ “Gió từ mộ gió” của Nguyễn Ngọc Hưng đã được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu trình diễn.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu trình diễn bài thơ “Gió từ mộ gió” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Sống và hoạt động âm nhạc ở TP. HCM đã nhiều năm nhưng tâm hồn Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ, ca sĩ Nhất Sinh - tác giả bài hát được nhiều thế hệ thính giả yêu thích như “Chim sáo ngày xưa” luôn hướng về quê hương Quảng Ngãi. Hôm nay, anh sẽ dành tặng cho chúng ta bài hát “Quảng Ngãi ơi nhớ lở thương bồi”, thơ Nguyễn Mậu Chiến, do chính anh Nhất Sinh phổ nhạc và trình bày.

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ, ca sĩ Nhất Sinh trình bày bài hát “Quảng Ngãi ơi nhớ lở thương bồi”, thơ Nguyễn Mậu Chiến do chính anh sáng tác

Để đất nước vươn lên trong thế rồng bay về phía tương lai, các thế hệ con người Việt Nam vẫn luôn nối tiếp nhau giữ gìn, phát huy sức mạnh và những di sản tinh thần quý báu mà cha ông để lại đúng như tinh thần bài hát “Tiếp bước theo người Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Trần Xuân Tiên do ca sĩ Quang Phúc và tốp ca nam nữ - hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi trình bày.

Ca sĩ Quang Phúc và tốp ca nam nữ - hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi trình bày bài hát “Tiếp bước theo người Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Trần Xuân Tiên.

Ca sĩ Lưu Phương ngâm thơ

Thầy cô giáo và học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn xem ảnh trưng bày tại trường

Nhà thư pháp Lâm DZũ Xênh viết thư pháp tặng thầy, cô giáo và học sinh tại trường

Cùng chương trình trình diễn thơ, âm nhạc, nhân dịp này Hội VHNT Quảng Ngãi còn có nhiều hoạt động sôi nổi hưởng ứng như: trưng bày gần 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật của hội viên nhiếp ảnh; viết chữ thư pháp nghệ thuật… đã đem đến cho Ngày Thơ một không khí đầy hứng khởi trong dịp Tết Nguyên Tiêu này./.

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-tho-viet-nam-lan-thu-22-tai-quang-ngai-mot-hoa-am-day-hung-khoi-cung-dat-nuoc-a23431.html