Ngày tang tóc nhất vì Covid-19 ở Italy và Iran, WHO tuyên bố đại dịch

Châu Âu và Trung Đông siết chặt nhiều biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh Italy và Iran vừa trải qua ngày tang tóc nhất vì virus corona. WHO đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11/3 nói rằng dịch Covid-19 đã tới giai đoạn có thể gọi là đại dịch. Với những số liệu mới nhất cho thấy số ca ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã lên tới hơn 118.000 ca nhiễm và 4.291 ca tử vong, ông Tedros cho biết WHO đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch.

Lãnh đạo WHO cũng cho biết thêm số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua.

Số liệu thống kê công bố trong ngày 11/3 cho thấy Italy và Iran, hai ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, có ngày tang tóc nhất kể từ khi virus corona bùng phát, khi số người nhiễm mới và số ca tử vong đều tăng cao kỷ lục.

Số ca tử vong tăng 30% ở Italy

Tổng số ca nhiễm tại Italy - quốc gia châu Âu bị virus corona tấn công mạnh nhất, đã tăng lên 10.149 so với 9.172 ca của ngày trước đó, tức tăng 10,7%, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy.

Trong khi đó, số người chết vì Covid-19 trong ngày đã tăng thêm 168, nâng tổng số ca tử vong tại Italy lên 631. Tỷ lệ tử vong trên toàn Italy hiện ở mức hơn 6%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình toàn cầu, và thậm chí cao hơn nhiều so với Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát.

Sự lây lan của virus corona đã buộc Italy phải phong tỏa toàn bộ đất nước, động thái cứng rắn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Tổng số ca tử vong tại Italy vì virus corona đã tăng lên 631. Ảnh: AP.

Nhà chức trách Italy đã cấm tất cả sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, khu vực công cộng, bao gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, đình chỉ các hoạt động tôn giáo, gồm đám tang và đám cưới. Giờ giới nghiêm bắt đầu lúc 18h.

Việc đi lại ở Italy rơi vào hỗn loạn ngày 10/3, nhưng không dừng hẳn, sau lệnh phong tỏa cả nước. Việc di chuyển trên khắp đất nước chỉ được phép với lý do kinh doanh hoặc sức khỏe.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khuyến cáo 60 triệu cư dân chỉ nên di chuyển với lý do sức khỏe hoặc công việc khẩn cấp nhất. Cảnh sát tiến hành kiểm tra thường xuyên trên đường cao tốc và xe lửa. Các sân bay vẫn mở, nhưng một số hãng hàng không đã hủy chuyến bay đến Italy.

"Tôi đã sống trong Thế chiến II, lúc đó tôi là một cô gái, nhưng tình huống này thực sự gây sốc cho tôi, vì tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Tôi lo lắng vì không biết khi nào điều này sẽ kết thúc. Bạn không được tự do làm bất cứ điều gì bạn muốn, bạn cảm thấy như một người ẩn dật”, Filomena Gasparri, 82 tuổi, sống ở vùng núi Abruzzo, phía đông Rome, nói.

Iran là điểm nóng dịch bệnh của Trung Đông

Iran hôm 11/3 công bố thêm 63 ca tử vong vì virus corona, mức tăng cao nhất trong một ngày ở nước này, nâng tổng số người chết lên 354.

“Thật không may, trong 24 giờ qua, chúng tôi đã ghi nhận 63 trường hợp tử vong. Tổng số ca tử vong là 354”, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour nói trong cuộc họp báo tại Tehran.

Theo Bộ Y tế Iran, số ca nhiễm mới virus corona tại nước này là 958, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.000 người. Như vậy, số ca nhiễm được công bố trong ngày 11/3 đã tăng 12% so với số liệu của ngày 10/3. Cũng theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran, 2.959 bệnh nhân đã bình phục.

Nhà chức trách Iran cho biết có 5 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này, cùng một thành viên của lực lượng bán vũ trang Basij do Vệ binh Cách mạng hậu thuẫn, đã tử vong vì virus corona.

Số người nhiễm virus corona tại Iran đã tăng lên 9.000 ca. Ảnh: AP.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 10/3 tuyên bố các bác sĩ và y tá tử vong trong cuộc chiến chống virus corona sẽ được công nhận là người "tử vì đạo".

Một số ý kiến lo ngại con số nhiễm bệnh thực tế tại Iran cao hơn nhiều so với số liệu được chính phủ công bố, trong bối cảnh Tehran gặp nhiều khó khăn trong xét nghiệm, quản lý và kiểm soát sự lây lan của virus. Số ca nhiễm tăng cao từng ngày tại Iran cho thấy cuộc chiến chống virus corona tại quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn.

Tại các quốc gia Trung Đông khác, virus corona cũng đang tiếp tục lan rộng. Nhà chức trách Bahrain hôm 11/3 cho biết số người nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng 70% lên 189 ca. Trong đó, 77 ca nhiễm virus corona là những người được Bahrain di tản từ Iran.

Trong khi đó, Saudi Arabia đã cấm các chuyến bay đến và đi từ 14 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Trước đó, Saudi Arabia đã dừng các chuyến hành hương tới thánh địa Mecca và Medina, hủy bỏ các chuyến bay với Trung Quốc và Iran, đồng thời phong tỏa tỉnh Qatif tại miền Đông.

Tại Israel, nhà chức trách yêu cầu người trở về từ nước ngoài tự cách ly 2 tuần. Tới thời điểm hiện tại, Israel đã ghi nhận 58 ca dương tính với virus corona, tuy nhiên tốc độ lây nhiễm đã giảm trong vài ngày qua.

Số các ca nhiễm trên toàn cầu tính tới sáng 12/3. Đồ họa: New York Times.

Châu Âu siết chặt các biện pháp phòng ngừa

Thủ tướng Angela Merkel hôm 11/3 cho biết biết hiện nay Đức, cũng như các quốc gia khác, chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu để cứu chữa cho bệnh nhân của Covid-19. Vì vậy, ưu tiên của nước này hiện nay là làm chậm sự lây lan của virus.

"Một khi virus xâm nhập vào Đức, và chúng ta không có miễn dịch cộng đồng, cũng không có vaccine hay thuốc điều trị, các nhà khoa học tin rằng 60-70% người dân sẽ nhiễm bệnh", Thủ tướng Merkel nói trong cuộc họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.

Bà Merkel kêu gọi người dân Đức thấu hiểu với các biện pháp mà Berlin đã áp dụng, như cấm người dân tham dự hoạt động đông người, như các trận đấu bóng đá, nhằm "giúp bảo đảm người già, người không khỏe mạnh" không bị nhiễm virus corona.

Đức cũng bắt đầu áp dụng quy trình kiểm duyệt đối với các đơn hàng xuất khẩu thiết bị y tế, trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng cao vì sự bùng phát của virus corona. Tới ngày 11/3, Đức đã ghi nhận 1.622 người nhiễm chủng mới virus corona, trong đó có 3 ca tử vong.

Tại Anh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nadine Dorries đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên dương tính với virus corona. Bà Dorries bắt đầu có các triệu chứng từ hôm 5/3, ngày bà tham dự một sự kiện tại số 10 phố Downing do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì.

Áo và Hungary đã cấm người nhập cảnh từ Italy. Ảnh: AP.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ đã cấm tất cả hoạt động có trên 1.000 người tham dự tại hầu hết các khu vực chịu ảnh hưởng của virus corona. Các trận đấu của giải bóng đá hạng cao nhất đất nước là La Liga sẽ diễn ra mà không có khán giả tham dự.

Thủ đô Madrid cũng đã đóng cửa tất cả trường học trong 2 tuần, kể từ ngày 11/3, ảnh hưởng tới khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên. Lệnh đóng cửa các trường học sẽ kéo dài trong 14 ngày.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết nước này đang cố gắng "tránh lặp lại kịch bản của Italy" và khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung "nếu thấy cần thiết".

Trong khi đó, chính phủ Hungary, một thành viên của EU, hôm 11/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Italy. Một thành viên khác của EU là Áo cũng áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Italy.

Dù vẫn mở cửa biên giới với người từ Italy, Bộ trưởng Y tế Slovenia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra y tế tại biên giới để bảo đảm ngăn chặn virus lây lan. Slovenia đã ghi nhận 47 ca nhiễm virus corona.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Nên lo lắng thế nào?

Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.

Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?

Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.

Nếu tôi đi du lịch thì sao?

C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.

Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?

Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.

Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.

Virus đã lây lan tới đâu?

Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus truyền nhiễm thế nào?

Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.

Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.

Phong tỏa ở Italy khác gì so với Vũ Hán? Sau lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch Covid-19, quốc gia thu hút du khách bậc nhất châu Âu trở nên hoang vắng hơn bao giờ hết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngay-tang-toc-nhat-vi-covid-19-o-italy-va-iran-who-tuyen-bo-dai-dich-post1058329.html