Ngày cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019: Đề vừa sức, tường minh!

Sáng 27-6, các thí sinh (TS) thực hiện bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) trong 150 phút bằng phương pháp trắc nghiệm. Đây cũng là buổi thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội gồm 120 câu, chia đều cho 3 môn: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân (GDCD).

Sáng 27-6, các thí sinh (TS) thực hiện bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) trong 150 phút bằng phương pháp trắc nghiệm. Đây cũng là buổi thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Đề thi Tổ hợp Khoa học xã hội gồm 120 câu, chia đều cho 3 môn: Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân (GDCD).

Các TS Đà Nẵng ra về sau khi kết thúc bài thi tổ hợp môn KHXH.

Theo phản ánh của nhiều TS tại Đà Nẵng, đề thi năm nay bám sát chương trình SGK, nếu ôn tập kỹ, nắm chắc kiến thức cơ bản dễ đạt điểm trên trung bình. Tuy nhiên, với môn Sử, để kiếm điểm từ 7-8 trở lên không đơn giản, bởi đề thi có tính phân hóa cao. “Trong 3 môn, môn Sử khó nhất, hai môn còn lại gồm Địa lý, GDCD dễ kiếm điểm từ trung bình trở lên. Với môn Lịch sử, có những câu đòi hỏi TS ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, phải biết phân tích mới so sánh được sự giống và khác nhau giữa các chiến dịch. Do ôn tập chưa kỹ nên em không làm được những câu này”, TS Huỳnh Thu Yến - HS trường THPT Nguyễn Hiền bày tỏ suy nghĩ. Đồng tình với ý kiến này, TS Ngô Thị Trân Châu (HS THPT Trần Phú) chia sẻ thêm: “Trong 3 môn, môn Lịch sử tuy khó nhất, nhưng nhìn chung đề ra vừa sức với TS. Đề Sử bám sát chương trình SGK, chỉ cần ôn tập kỹ, nắm vững kiến thức căn bản là có thể đạt điểm trung bình”.

Tại Quảng Nam, ghi nhận tại TP Hội An, TX Điện Bàn, H. Duy Xuyên tâm trạng của các thí sinh khá tốt, nhiều em nhận định đề thi năm nay hay và không quá khó. Thí sinh Hoàng Thị Thu Thảo (THPT Sào Nam, Duy Xuyên) cho biết, em dự thi hai môn trong tổ hợp KHXH là Lịch sử và Địa lý. Thảo đánh giá môn Lịch sử có độ khó cao nhất, tuy nhiên nhìn chung là đề khá phù hợp với trình độ của các thí sinh, không đánh đố nhưng vài câu đòi hỏi sự tư duy nhằm phân loại điểm. Thảo cho biết, em tự tin các môn dự thi đạt tầm 7-8 điểm. Không chỉ Thảo mà nhiều thí sinh đánh giá năm nay đề dễ, những câu hỏi cơ bản nằm trong SGK. Chính vì vậy, những em nào nắm vững đều có thể làm bài từ mức khá trở lên.

Tại Nghệ An, theo nhận định của hầu hết các TS, đề Địa Lý và GDCD năm nay dễ, còn đề Lịch sử khó. Thí sinh Nguyễn Khánh Linh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh) cho biết: “Cá nhân em thấy đề Lịch sử năm nay hơi dài, khá khó, còn đề thi GDCD vừa sức. Đối với môn Địa lý, 5 câu cuối cùng có những đáp án tương tự nhau, nếu thí sinh không “tỉnh” sẽ chọn sai đáp án. Còn môn GDCD có những tình huống đặt ra rất hay và sát, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài”. Cũng theo thí sinh này, đề thi Lịch sử và Địa có tính phân hóa chưa cao nên các TS đăng ký xét tuyển đại học khối C sẽ gặp nhiều bất lợi bởi với đề thi này, học sinh có học lực khá cũng có thể đạt điểm cao.

Nhận xét về đề thi môn GDCD, cô Phan Thị Vĩnh, Giáo viên môn GDCD Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), cho rằng, đề ra vừa sức, đảm bảo được từng cấp độ: nhận thức đến thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, có tính thực tiễn và phân hóa rõ nét. Với đề thi này, phần lớn TS có thể làm tốt khoảng 20-30 câu đầu, 10 câu sau phân hóa từ cấp độ vận dụng thấp và vận dụng cao. Theo đó, phổ điểm năm nay từ 7-8 điểm sẽ nhiều, riêng phổ điểm 9-10 thì ít...

Về môn Lịch sử, thầy Lê Văn Phan - giáo viên môn Lịch sử trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) nhận xét: “Đề Lịch sử tương đối bám sát đề thi minh họa 2019, chuẩn kiến thức chương trình lớp 12 và một phần lớp 11. Về mức độ khó, đề năm nay có giảm hơn so với đề năm ngoái. Các câu hỏi và phần đáp án để TS lựa chọn được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, tường minh và súc tích. Cả đáp án được thiết kế theo phương án “gây nhiễu” TS cũng tốt hơn năm ngoái. Ngoài ra, đề Sử năm nay có nhiều điểm mới. Phần biết và hiểu nằm trong kiến thức cơ bản trọng tâm của chương trình. Mức độ phân hóa cũng rất cao, để làm tốt những câu hỏi này, ngoài yêu cầu TS phải nắm chắc kiến thức cơ bản, còn phải biết so sánh, liên hệ giữa kiến thức của chương trình lớp 12 với lớp 11; đồng thời phải biết liên hệ với lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (có khoảng 3 câu ở dạng này). Ở những câu vận dụng cao đòi hỏi TS phải nắm khái quát, biết hệ thống, tổng hợp kiến thức về nội dung của các giai đoạn lịch sử; trên cơ sở đó để phân tích, so sánh... Theo tôi, với đề thi năm nay, phổ điểm trung bình môn Lịch sử sẽ cao hơn so với năm ngoái; phổ điểm khá - giỏi cũng cao hơn nhưng không nhiều. Sở dĩ không có nhiều điểm khá - giỏi là do phần lớn TS chọn bài thi tổ hợp môn KHXH chỉ để xét tốt nghiệp (khoảng 90%), nên các em chỉ ôn tập đủ để vượt qua điểm liệt đối với môn này. Ngoài ra, trong 3 môn ở tổ hợp môn KHXH thì 2 môn: GDCD và Địa lý là những môn TS có điều kiện dễ học, dễ làm bài hơn...”.

Chia sẻ cảm nhận về đề thi môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Ngọc Uyển - GV môn Địa lý trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, cho rằng đề năm nay tương đối hay, có tính phân hóa cao, bám sát ma trận và đề thi minh họa năm 2019 của Bộ GD&ĐT. Nếu TS nào sử dụng Atlat thành thạo, bám sát SGK và có kỹ năng phân thích số liệu biểu đồ thì có thể đạt từ 7 điểm trở lên. Đề Địa lý năm nay tương đương với đề Địa năm ngoái. Về kiến thức chương trình lớp 11 trong đề thi năm nay, theo cô Uyển, chủ yếu ra kiến thức về Đông Nam Á nên TS dễ làm bài hơn. “Từ câu 1 đến câu 20 tương đối dễ với tất cả TS; từ câu 21 độ khó bắt đầu tăng dần, trong đó 10 câu cuối có tính phân hóa rõ nét. Có một vài câu hỏi khó, TS phải suy nghĩ kỹ, cẩn thận mới tìm ra đáp án đúng”, cô Uyển phân tích thêm.

P.THỦY, H.DUNG, D.HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/138_208473_ngay-cuoi-cung-ky-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019-de-vua-suc-tuong-minh-.aspx