Ngành y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong hai ngày 4 và 5-8, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo xây dựng kế hoạch vùng cho Dự án 'Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)' do Conseil Sante phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tổ chức và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu, các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo xây dựng kế hoạch vùng cho Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)". Ảnh: Thùy Trang

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sức khỏe con người và thách thức khả năng ứng phó của các quốc gia, đặc biệt là ở các nước có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Để hỗ trợ ngành y tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ dự án kỹ thuật (TA) phát triển năng lực vùng thông qua Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)" gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự án hướng tới hạn chế ảnh hưởng của những bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu tới cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng lực ngành y tế các quốc gia tham gia Dự án này, trong đó có Việt Nam.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra đánh giá về những vùng chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu, mức độ ảnh hưởng và giải pháp để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế. Hội thảo sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính và diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều phần thảo luận giữa các nước trải dài trong 2 ngày. Từ những phần thảo luận của mỗi nước, hội thảo sẽ thống nhất kế hoạch triển khai Dự án, cơ chế phối hợp giữa Việt Nam, Lào, Campuchia. Năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế 3 nước trên sẽ được nâng cao, người thụ hưởng sẽ là cộng đồng và tính bền vững môi trường được đảm bảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là với bờ biển dài 3.200 km và vùng đồng bằng rộng lớn, Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa và ngày càng khốc liệt hơn: nước biển dâng, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn. Trong năm nay, Việt Nam đã bị ảnh hưởng của El Nino gây ra hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng ở 22 tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính có khoảng 2 triệu người (400.000 hộ) ở các khu vực này thiếu nước cho ăn uống, sinh hoạt.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã phải vật lộn với gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng: Bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng trẻ em, sốt xuất huyết, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh tim mạch, trong đó một phần nguyên nhân là do biến đổi khí hậu gây ra. Chính vì thế, Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)” mang nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam nói riêng và các nước tiểu vùng Mê Công nói chung.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nganh-y-te-tieu-vung-me-cong-mo-rong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/