Ngành nông nghiệp thích ứng với nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục khó khăn do thời tiết, nông dân trong tỉnh đã nỗ lực thích ứng và thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Đầu tháng 8, nông dân nhiều địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa trà muộn. Đây là thời điểm nắng gắt, nhiệt độ nhiều ngày lên tới 36oC đến 37oC, ngoài trời có thể lên tới hơn 40oC nên người dân phải dậy sớm, đội đèn pin đi cấy.

Bà Hoàng Thị Yên, ở tổ 20, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) cho biết: Ban ngày nắng gắt, nhiệt độ cao nên tôi phải đi cấy từ 4 giờ. Cấy thời điểm này rất mát, đến 8 giờ, nắng lên là tôi về nghỉ.

Theo nông dân một số địa phương, thời tiết vụ mùa năm nay thất thường, đặc biệt có nhiều thời điểm nắng nóng kéo dài khiến cây lúa chậm phát triển. Thời tiết cũng làm gia tăng một số sâu, bệnh hại trên lúa khiến nông dân phải thăm, bám đồng thường xuyên. “Nếu không phát hiện và xử lý sâu, bệnh kịp thời, có thể diện tích lúa của gia đình tôi sẽ không cho thu hoạch. Do nắng gắt, tôi phải chuyển sang phun thuốc vào sáng sớm để bớt nóng cũng như phát huy hiệu quả của thuốc”, ông Nông Đức Duần, ở thôn Bản Chung, xã Trịnh Tường (Bát Xát) cho biết.

Không cấy lúa mà trồng 2 sào rau, bà Đặng Thị Đông, ở tổ 11, phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) cũng phải dùng đèn pin đội đầu để chăm sóc rau, cắt rau đi bán chợ sớm. “Mùa nắng nóng, nếu tưới nước ban ngày rau dễ bị táp lá, chậm phát triển nên đa số người trồng rau như chúng tôi thường chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây vào chiều muộn và rạng sáng. Khoảng 3 giờ tôi ra ruộng, chăm sóc, làm cỏ xong thì cắt rau, đến 5 giờ là có thể mang rau ra chợ bán”, bà Đông nói.

Ngoài thích nghi với nắng nóng bằng cách đi làm sớm, thay đổi cách chăm sóc, bón phân, thường xuyên thăm đồng, xử lý sâu, bệnh hại, nông dân các địa phương còn thực hiện nhiều biện pháp khác bảo vệ cây trồng.

Đối với cây giống, các chủ vườn chọn cách che chắn bằng lưới đen, tưới nước dưỡng ẩm thường xuyên để ngăn cây bị mất nước, táp lá. Anh Vàng Văn Tuân, chủ vườn ươm quế giống tại thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) cho biết: Từ đầu mùa hè, mỗi ngày tôi tưới cây 2 - 3 lần thay vì 1 lần như trước. Tôi cũng phải che cây bằng lưới đen để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây giống.

Cùng với bảo vệ cây trồng, trong những ngày nắng nóng, người chăn nuôi trong tỉnh tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Bà Phạm Thị Tám, người nuôi lợn tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng) cho biết: Nhiệt độ ngoài trời ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả chăn nuôi, đàn lợn ăn ít hơn, trọng lượng tăng kém hơn, một số con có biểu hiện cảm nóng, khó thở. Tôi làm mát chuồng trại bằng cách tắm thường xuyên cho lợn, duy trì phun nước trên mái chuồng, bật quạt điện vào chuồng trong buổi trưa, mở thông cửa vào buổi tối.

Việc chống nắng nóng hiệu quả hơn được thực hiện ở các chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn. Nhờ được trang bị hệ thống làm mát từ giàn nước và quạt thông gió, áp dụng với chuồng kín, dù vào ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì ở mức 28 đến 30oC. Đến gia đình anh Ngô Văn Tú, ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng), khi ngoài trời nắng như đổ lửa thì khu chuồng nuôi 5.000 con gà của gia đình anh vẫn mát mẻ. Anh Tú cho biết, sở dĩ khu chuồng nuôi luôn dịu mát là bởi xung quanh nhà trồng nhiều cây ăn quả, trồng rừng nên chống nóng tốt. Gia đình anh còn lắp hệ thống bơm nước phun mưa tự động làm mát mái, treo bạt chống nóng xung quanh chuồng và có quạt thông gió trong chuồng.

Để đối phó, hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân theo dõi diễn biến của thời tiết, có biện pháp thích hợp trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đối với cây trồng, thường xuyên bảo đảm đủ nước tưới, bón phân cân đối, sử dụng nhà lưới, nhà kính để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, tránh mưa, nắng cho cây trồng (nếu có điều kiện); sử dụng vật liệu che phủ cho cây, quả, không nên trồng cây vào những ngày nắng nóng.

Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời, tích cực chống nắng nóng cho vật nuôi bằng biện pháp cải tạo chuồng trại, tạo bóng mát. Kết hợp các biện pháp làm mát và điều chỉnh khẩu phần ăn cho vật nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng, rau xanh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm môi trường chăn nuôi thông thoáng.

Đối với diện tích nuôi thủy sản, cần thường xuyên theo dõi ao nuôi, nếu nhiệt độ quá nóng thì chờ trời mát mới cho ăn và cho ăn thành nhiều bữa trong ngày. Khi nhiệt độ trên 35oC nên giảm 50% lượng thức ăn xuống ao. Cần bổ sung khoáng chất, vitamin C để tăng sức đề kháng cho thủy sản; duy trì mực nước 1,5 m đến 2 m; thả bèo tây 1/3 diện tích mặt ao để giảm nắng, tạo nơi tránh trú cho thủy sản. Vận hành hệ thống quạt nước, sục khí tạo ô xy và định kỳ sử dụng vôi bột, chế phẩm sinh học quản lý môi trường nước ao nuôi…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359119-nganh-nong-nghiep-thich-ung-voi-nang-nong