Ngành khó tuyển và bài toán nhân lực

Trong hai ngày qua, các trường ĐH trên cả nước lần lượt công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

So với năm 2019, điểm chuẩn của các trường/ngành đều tăng hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm so với Kỳ thi THPT quốc gia 2019 nên kết quả điểm tăng. Mặt khác, chỉ tiêu tuyển sinh hầu hết các ngành/trường đều được chia sẻ một phần đáng kể cho phương thức tuyển sinh khác, như học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực... vì thế mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt.

Sự phân hóa mạnh mẽ điểm chuẩn giữa các ngành cho thấy việc hướng nghiệp thực dụng theo kiểu chọn ngành hot, dễ kiếm việc làm, lương cao… là có thật và ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Những ngành truyền thống, điều kiện làm việc vất vả, dù nhu cầu cao nhưng kém thu hút thí sinh. Theo số liệu thống kê được Bộ GD&ĐT đưa ra tại báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, có 5 nhóm ngành kém lợi thế tuyển sinh là: Nông lâm thủy sản, Khoa học tự nhiên, Bảo vệ môi trường và Khoa học môi trường, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, việc tiếp tục duy trì tuyển sinh các ngành khó tuyển là bài toán đau đầu của không ít trường. Nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí, còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc. Mới đây nhất, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, thực hiện tự chủ tài chính, sau nhiều cân nhắc đã quyết định ngừng tuyển sinh 2 ngành Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu vì lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển quá ít. Trước đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc các trường đại học mở rộng chỉ tiêu các ngành hot và giảm chỉ tiêu hay đóng ngành khó tuyển sinh cũng là một cách đáp ứng nhu cầu xã hội, thế nhưng về lâu dài sẽ tạo nên bất cập cho nguồn nhân lực nói chung. Thực tế cho thấy, những ngành hot như công nghệ thông tin hiện rất khát người nhưng không phải ai cũng dễ dàng trụ được đường dài vì ngành này đòi hỏi người làm việc phải liên tục cập nhật, tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi nhanh. Hay ngành công nghệ ô tô, trường kỹ thuật nào cũng mở ngành, tuy nhu cầu nhân lực rất cao nhưng không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc, nhất là trong vài năm tới.

Đẩy mạnh đào tạo các ngành tăng trưởng nóng giúp đáp ứng nhanh và ngay nhu cầu của thị trường lao động trước mắt là cần thiết nhưng giữ gìn và phát triển các ngành căn bản, truyền thống xã hội cần cũng là việc làm cấp bách. Sự phân hóa mạnh mẽ điểm chuẩn giữa các ngành/nghề đào tạo và việc xuất hiện ngày càng nhiều những ngành dù điểm chuẩn thấp vẫn khó tuyển sinh, đòi hỏi đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách đặc thù với các ngành nhu cầu xã hội cần nhưng thiếu người học. Bản thân các trường cũng cần tái cấu trúc ngành nghề, thay đổi mô hình đào tạo hay thực hiện liên kết, phối hợp đào tạo, tăng cường quảng bá, cũng như có chính sách học bổng khuyến khích kịp thời. Có như thế mới giúp nguồn nhân lực phát triển một cách bền vững.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/nganh-kho-tuyen-va-bai-toan-nhan-luc-IByTuR5Gg.html