Ngành Hải quan lắng nghe, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Từ đầu năm tới nay, cơ quan hải quan đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Đây là hoạt động thường niên của cơ quan hải quan các cấp, là dịp để cùng trao đổi, lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp để xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Giải quyết vướng mắc thực tiễn

Thời gian qua, đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của ngành Hải quan, được xác định là một trong những hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cập nhật thông tin pháp luật trọng tâm của ngành.

Ngoài việc giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng thực thi pháp luật hải quan, thông qua đối thoại, cơ quan hải quan có thể kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó, mối quan hệ hải quan - doanh nghiệp thực sự là đối tác hợp tác trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật.

Là một trong những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động đối thoại doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng đã đa dạng cách thức tiếp nhận, giải đáp vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về thực hiện các quy định pháp luật. Hàng năm, Cục Hải quan Hải Phòng và các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Việc đối thoại của Hải quan Hải Phòng không chỉ duy trì tần suất theo quy định của Tổng cục Hải quan mà chia nhỏ ra ở 3 lĩnh vực gồm doanh nghiệp xuất khẩu, FDI và logistic hoạt động trên địa bàn.

Cục Hải quan Tây Ninh thực hiện chia cụm công nghiệp để đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp vào cuối tháng 10/2023. Ảnh: Thu Dịu.

Theo ông Nguyễn Thành Nam - đại diện Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Nam Phong (Hải Phòng), nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ùn tắc, chậm trễ trong việc cắt, trả container của các hãng tàu. Điều này khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian, chi phí xếp dỡ và nhiều loại phí khác tại cảng.

Các khoản chi phí này có khi lên tới 80 triệu đồng/container. Qua việc đối thoại với cơ quan hải quan để đề xuất, kiến nghị, đến nay, một số hãng tàu đã cam kết không thu các khoản phí, khắc phục tồn tại của việc trả vỏ, cấp vỏ rỗng container.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, chia sẻ: "Thông qua đối thoại, cơ quan hải quan cũng thu thập các thông tin địa chỉ của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia vào đánh giá chất lượng phục vụ của hải quan. Chúng tôi tự động gửi các văn bản quy định pháp luật mới tới cho doanh nghiệp".

Tại An Giang, trong các cuộc đối thoại, cơ quan hải quan hướng dẫn, phổ biến pháp luật, tuyên truyền các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, với mong muốn các doanh nghiệp nắm chắc các quy định để thực hiện đúng, tránh được những sai sót không đáng có.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Đào Thịnh Vinh, đơn vị mong muốn qua đối thoại, các doanh nghiệp thẳng thắn nêu vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị với cơ quan hải quan; đồng thời có ý kiến đóng góp về thái độ phục vụ của cán bộ công chức hải quan… để xem xét có giải pháp phục vụ doanh nghiệp tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Còn theo ông Hoàng Lương Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, đối thoại là cơ hội để cơ quan nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp, đề xuất trong việc sửa đổi chính sách, xây dựng hoàn thiện cơ chế phù hợp với pháp luật và thực tiễn để hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn ngày càng phát triển.

Đặc biệt là các vấn đề về xác định trị giá khai báo, tham vấn hay độ trễ trong việc thông tin hàng hóa… cũng được doanh nghiệp kiến nghị với cơ quan hải quan tại chỗ qua các hoạt động đối thoại.

Giao chỉ tiêu đối thoại

Để hoạt động đối thoại hiệu quả hơn, từ đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.

Theo đó, Tổng cục Hải quan giao các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố. Ở cấp tổng cục, hội nghị đối thoại sẽ được tổ chức chung 6 tháng đến 1 năm/lần, song song với các cuộc đối thoại riêng với các đối tượng doanh nghiệp khác nhau.

Trong 10 tháng qua, cơ quan hải quan các cấp cũng đã thực hiện hàng trăm cuộc đối thoại, với hàng nghìn doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo bà Trần Thị Thúy Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, một điều quan trọng ở hoạt động đối thoại là các doanh nghiệp nêu các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính có tính chất liên ngành. Đây là nội dung mà cơ quan hải quan nhận được nhiều nhất và cũng là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan cùng giải quyết.

Thời gian gần đây, hội nghị đối thoại của cơ quan hải quan được tổ chức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp 2 hình thức. Qua đó, hiệu quả của công tác này được phát huy, lan tỏa, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Điều này cũng nhằm thực hiện phương châm của Chính phủ “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ” và trên tinh thần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động thích ứng, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp tích cực hơn nữa đóng góp xây dựng, sửa đổi chính sách

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, cơ quan hải quan mong muốn doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc khi thực thi pháp luật.

Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-lang-nghe-dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-138289.html