Ngành gỗ Việt hưởng lợi hay vạ lây từ cuộc chiến Mỹ - Trung?

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có thể tạo ra cơ hội cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam. Nhưng có thể không lớn như lầm tưởng và còn quá sớm để nhận định là cơ hội. Thậm chí nếu không tỉnh táo mà tiếp tay cho lẩn tránh thuế, ngành gỗ từ chỗ đón cơ hội sẽ thành nạn nhân bất đắc dĩ khi Mỹ kiên quyết áp thuế hành vi này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra nhiều thông tin, phân tích và cảnh báo như trên tại hội thảo về cơ hội từ thương mại Mỹ-Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA/CPTPP vừa diễn ra.

Hai yếu tố ảnh hưởng

Đến thời điểm này, ngành gỗ Việt Nam đã xuất khẩu đạt hơn 9 tỉ USD; hết năm 2018 sẽ đạt khoảng 9,5 tỉ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017. Bối cảnh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho ngành xuất khẩu gỗ Trung Quốc chịu thuế suất 10% vào thị trường Mỹ và có thể tăng lên 25% nếu căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp tục. Đây là cơ hội lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam, gia tăng xuất khẩu vào Mỹ vì hiện nay thuế suất của Việt Nam vào thị trường này bằng 0.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

93% trong số hơn 4.500 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Sản xuất nhỏ lẻ là tồn tại khiến cho sự phát triển ngành gỗ chưa tương xứng với tiềm năng và mất cân bằng giữa DN nội địa với nhóm FDI. Năm 2019 dự báo là thời điểm tốt cho ngành gỗ Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hình thành trung tâm sản xuất đồ gỗ tầm cỡ của thế giới.

Ông Trần Quốc Khánh phân tích, kể từ khi bắt đầu vào tháng 7/2018, xung đột thương mại Mỹ- Trung đã leo thang nhanh. Ban đầu các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế chỉ trị giá 34 tỉ USD với mức thuế 25% sau đó tăng lên thành 50 tỉ USD. Đến tháng 9, Mỹ tiếp tục đánh thuế bổ sung 200 tỉ USD xuất khẩu vào hàng hóa của Trung Quốc với mức thuế 10% và có thể nâng lên 25% nếu cả hai không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Trong gói 200 tỉ này đã xuất hiện một số sản phẩm gỗ.

Các chuyên gia nhận định đây sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam vì đơn hàng và đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Trong thương mại quốc tế, chênh lệch thuế 10% là đủ để cân nhắc dịch chuyển đơn hàng với các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp. Nếu mức thuế lên đến 25%, sẽ diễn ra dịch chuyển đơn hàng ở cấp độ lớn hơn, kể cả với các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, thậm chí là xem xét dịch chuyển đầu tư sang khu vực khác. Nhưng vấn đề cần lưu tâm là xu hướng đó có thật sự lớn và bền vững? Nếu xảy ra thì Việt Nam đón nhận như thế nào?

Theo ông Khánh, tất cả sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: mức thuế mà Mỹ đánh vào sản phẩm của Trung Quốc và mường tượng của chuỗi cung ứng với thời gian kéo dài của cuộc chiến này. "Nếu mức thuế chỉ là 10%, dịch chuyển đơn hàng lẫn đầu tư, theo tôi chỉ diễn ra ở các mặt hàng có biên lợi nhuận thấp: ván dăm, ván dán. Khi mức thuế là 25%, dịch chuyển rộng hơn bao gồm cả các mặt hàng đồ gỗ nội thất. Nếu chuỗi cung ứng có lý do tin rằng cuộc chiến còn kéo dài thì kể cả ở mức thuế 10% họ sẽ cân nhắc nghiêm túc đến sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc", ông Khánh nói..

Trong trường hợp đó, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những nước hưởng lợi vị hiện nay đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, chất lượng đã được chứng minh. Tuy nhiên, sẽ phải chờ đợi thêm khi Mỹ - Trung thống nhất không leo thang trong 90 ngày, bắt đầu từ 1/1/2019, dịch chuyển vẫn có thể diễn ra nhưng quy mô chưa đủ lớn để trở thành xu hướng. Đến giờ này, chưa có gì chắc chắn vì khả năng cả hai đạt được thỏa thuận là không nhỏ. Khi cuộc chiến thương mại đều không có lợi cho cả 2 bên, quá sớm để coi đó là cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Cần tỉnh táo để không vạ lây

Ông Trần Quốc Khánh cảnh báo, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và đầu tư với ý đồ chỉ lợi dụng Việt Nam thành nơi lẩn tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành gỗ nước ta cũng bị vạ lây khi Mỹ sẽ không ngần ngại áp một mức thuế chống lẫn tránh lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu của nước ta. Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc lẩn tránh liên quan đến một số DN xuất khẩu ván dán của Việt Nam. Bộ Công thương đang theo dõi vụ việc này và sẽ tổ chức đoàn kiểm tra xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam hay không. Nếu có sẽ xử lý nghiêm.

“Cơ hội là có nhưng không lớn như ta tưởng và đi kèm rủi ro là nguy cơ lẩn tránh, đòi hỏi các DN phải chú ý. Bộ công thương sẽ phối hợp với Hải quan tăng cường kiểm tra để chống hành vi này. Chúng tôi kêu gọi DN không tiếp tay cho hành vi này đồng thời quan sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi phát hiện có sự bất thường xảy ra, tránh cho ngành gỗ từ chỗ nhiều cơ hội trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong cuộc chiến thương mại này”.

Ảnh minh họa

Ngoài xung đột Mỹ - Trung, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu CPTPP và EVFTA đồng thời được thực thi trong năm 2019 sẽ tác động lớn với sự phát triển của ngành gỗ. Việc Việt Nam phê chuẩn CPTPP đã mở ra những thị trường mới: Mexico, Canada và Peru.

Năm 2017 Việt Nam xuất khẩu vào Canada trên 120 triệu USD, nhưng chỉ riêng 10 tháng đầu 2018 đã đạt 131 triệu USD, dự kiến cả năm đạt hơn 140 triệu USD. CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm ván sàn và gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ bị xóa bỏ khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm ván ghép, khung tranh, khung cửa và đồ nội thất sẽ có nhiều cơ hội vì mức thuế giao động từ 6% đến 9% cũng bị xóa bỏ. Canada cũng đồng ý xóa bỏ mức thuế 7% với mặt hàng thủ công mỹ nghệ gỗ. Mexico dù chưa phải là thị trường xuất khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam, thuế nhập khẩu tại thị trường này dao động 10-15% tuy nhiên các DN nên chuẩn bị và tiếp cận thị trường này vì Mexico đồng ý xóa bỏ thuế với mặt hàng đồ gỗ trong CPTPP cho ván dán, ván dăm, ván sàn, gỗ thanh, đồ nội-ngoại thất với lộ trình tối đa lên đến 10 năm.

Trong năm 2019, nếu việc phê chuẩn EVFTA được hiến hành sẽ là tin vui cho ngành gỗ Việt. EU là thị trường quan trọng. Năm 2017 Việt Nam chỉ xuất hơn 750 triệu USD vào thị trường có quy mô 90 tỉ USD này, tiềm năng rất lớn với nhiều mặt hàng sẽ có thuế 0% sau 5 năm: ván dán (hiện tại 7 -10%), ván dăm (7%), gỗ thanh (3-4%) và đồ gỗ nhà bếp (2,7%) sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ông đưa ra lời khuyên: “Việt Nam cần nghiêm túc thực thi FLEGT mới ký với EU vào tháng 10/2018. DN cần kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp để tạo ra hình ảnh ngành gỗ không chỉ chất lượng cao mà còn đầy trách nhiệm với cộng đồng. Chỉ cần ngành chế biến gỗ thật sự quan tâm đến người tiêu dùng, cải tiến năng suất chất lượng, nói không với hành vi lẩn tránh thuế và gỗ bất hợp pháp chắc chắn sẽ phát triển bền vững mà không cần quá để ý đến Mỹ-Trung đang làm gì và liệu bao giờ EVFTA được đưa vào thực thi”.

KHOA TƯ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nganh-go-viet-huong-loi-hay-va-lay-tu-cuoc-chien-my-trung-19863.html