Ngán ngẩm với thói quen sử dụng túi nylon
Thành ủy TPHCM vừa ban hành công văn về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường'. Trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, cho thấy ý thức bảo vệ môi trường đô thị nhiều năm qua của người dân vẫn không thay đổi, đặc biệt thói quen xả rác không đúng chỗ và lạm dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Theo sở này, lượng túi nylon người dân TP thải ra mỗi ngày lên đến trên 50 tấn, nếu không có biện pháp hạn chế sử dụng ngay từ lúc này thì tác hại lên môi trường sẽ vô cùng khủng khiếp, kèm theo đó là một thảm họa hình ảnh khi kênh rạch, ruộng đồng ngập tràn rác nylon!
Cho không biếu không
Phải thừa nhận một thực tế là túi nylon đã "gắn bó” quá sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt ở các đô thị. Để đựng con cá ngoài chợ, chiếc bút bi trong nhà sách, vài viên thuốc trong bệnh viện, thậm chí là chiếc túi xách mới mua, túi nylon luôn là chọn lựa số 1. Từ xó nhà đến khách sạn, từ chợ trời vào siêu thị, từ trên bờ xuống ruộng, dưới cống... đâu đâu cũng có sự xuất hiện của túi nylon với đủ bộ dạng...
Chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) sáng 02/12/2024 đông nghẹt. Một chị trung niên tay xách làn nhựa đứng ở sạp rau củ quả. Người bán hàng bỏ những thứ chị mua vào các túi nylon theo từng loại rồi cẩn thận bọc thêm một túi nylon lớn khác đưa cho khách. "Anh bọc thêm cái nữa cho chắc kẻo đổ ra giỏ” - chị khách đề nghị.
Đó chỉ là một trong rất nhiều hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được trong những ngày tới nhiều nơi ở TPHCM để tìm lời đáp cho câu hỏi: "Túi nylon được sử dụng như thế nào?". Tại một sạp rau quả ở chợ Tân Quy (Q7) sáng 3/12, chỉ khoảng 1 phút có hơn 10 túi nylon được sử dụng để đựng hàng cho khách. Một nữ khách hàng lúc ghé vào tay không, nhưng khi rời sạp trên tay có đến 5 cái túi nylon - một đựng bó cải xanh, một đựng 2 trái dưa leo, một đựng vài trái cà chua, một đựng ít nấm rơm với mớ rau mùi và một đựng... các thứ kia. Quan sát một sạp bán cá gần đó, số túi nylon dùng dựng hàng cho mỗi khách tối thiểu là 2 cái, một đựng cá và một bọc bên ngoài. Hơn một giờ có mặt tại chợ này, chúng tôi đếm được đúng 7 người mang theo giỏ nhựa, song khi chúng tôi nhìn kỹ, bên trong những giỏ này cũng lủ khủ túi mẹ, túi con bằng nylon.
Tại các tiệm, cửa hàng bán lẻ dọc phố hay các siêu thị, tình trạng lạm dụng túi nylon cũng diễn ra tương tự. Phần lớn các tiệm chuyên bán bánh mỳ, bánh ngọt, thức ăn nhanh thường dùng túi giấy để dựng bánh cho khách, nhưng những túi bánh sau đó được bọc bên ngoài bằng túi nylon. Trong khi ở siêu thị, phần lớn hàng hóa được gói bằng màng nylon. Tại các gian hàng thực phẩm và rau quả, mỗi món hàng khách mua đều được bao gói bằng một túi nylon riêng cho dù chỉ là củ hành, trái ớt. Những món hàng này khi ra quầy tính tiền còn được nhân viên thu ngân phân loại theo từng nhóm, cho chung vào một túi trước khi cẩn thận bọc tất cả bằng một túi khác. Ở chợ và siêu thị, với đặc thù hàng hóa đa chủng loại nên túi nylon không có "đối thủ” đã đành, ở những tiệm thuốc tây, thuốc bắc cũng có thói quen sử dụng túi nylon thay vì dùng túi giấy.
Túi nylon phổ biến trên thị trường hiện là loại túi xốp, mỏng, dễ rách và giá rẻ nên được sử dụng một lần rồi bỏ. Người dân ở các đô thị gần như không ai có đủ kiên nhẫn giặt sạch và phơi khô để dùng lại lần hai. Túi chỉ dùng đựng hàng hóa ở chợ, siêu thị, về tới nhà là ném luôn vào sọt rác. Chị Lan, người thu gom rác dân lập trên tuyến đường Nguyễn Du (Q1) cho biết, gần đây khi dân thu gom rác không còn nhặt túi nylon nữa thì nó cứ đi từ sọt rác ra xe đẩy rồi nhồi hết lên xe ép rác. "Có khi người ta vứt bỏ những túi dày, in hoa đẹp và sạch bong, tôi thấy tiếc nhặt xếp lại để dành, còn không thì kệ" - chị kể.
Ve chai chê, môi trường hứng trọn
Chiều 03/12 chúng tôi kịp ghi nhận hình ảnh một đoạn rạch Xuyên Tâm, đoạn qua Q.Bình Thạnh ngập đầy rác. Rác phủ trắng mặt kênh một đoạn dài 50m. Khối rác thải khổng lồ này là túi nylon, có chiếc to tướng căng phồng chứa bên trong đủ thứ rác, có chiếc rách bươm, tơi tả và trôi lềnh bềnh. Người dân ở đây cho biết, có công nhân môi trường đến vớt rác, nhưng được vài bữa là mặt kênh lại đặc cứng.
Theo tìm hiểu, việc tái chế túi nylon lâu này phần lớn phó mặc cho những cơ sở thủ công, tự phát. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở này chủ yếu qua giới thu mua ve chai. Bà Lành, một người mua ve chai nhà ở ven kênh Tân Hóa (Q.Bình Tân) cho biết, túi nylon bây giờ các vựa phế liệu chê ỏng che eo, chỉ những loại trong suốt và dẻo mới để mắt tới. Vì thế những người thu mua ve chai cũng chọn túi mà mua. Những loại túi xốp, đậm màu giặt sạch và phơi khô trước đây được mua 5.000 - 7.000 đồng/kg, nay chưa tới 3.000 ngàn, thậm chí có nơi còn bị tẩy chay! Bà Hoa - người nhặt túi nylon ở Bình Thạnh cho biết, khu vực các quận nội thành, túi nylon đã qua sử dụng nhiều nhất, nhưng bà không nhặt túi xốp, túi dính bẩn nữa vì bán không được là bao, có khi còn lỗ công phơi, giặt. Giải thích việc "quay lưng" với túi nylon, ông Lê Thanh Hiến - chủ một cơ sở tái chế ở Bình Chánh cho hay - nhựa tái chế từ túi nylon theo quy trình thủ công chất lượng kém, chi phí cao nên đầu ra không cạnh tranh được với hạt nhựa nguyên liệu trên thị trường.
Khu vực vườn rau Tân Thắng (giáp Tân Phú và Tân Bình) cách đây ít năm còn là "thánh địa" của dân tái chế, túi nylon phơi trắng cánh đồng với diện tích hàng hecta. Từ khi bị cấm, dân phế liệu rút đi nhưng trên cánh đồng nylon vương động thành lớp. Cũng từ đó, con mương dọc đường Bình Long nối dài bị biến thành hố chứa rác nylon khổng lồ do người dân gần đó đã quen trình trạng đem tới đổ xuống. Một số người vẫn bám trụ với nghề tái chế túi nylon dạt ra phía Bình Chánh dựng chòi sản xuất ngay trên đất nông nghiệp. Một điểm tái chế mà chúng tôi tình cờ phát hiện tại xã Vĩnh Lộc B, chỉ vỏn vẹn 2 căn chòi lá, một vài thiết bị đun nấu, xung quanh chất đầy bao tải, thùng chứa trên khu ruộng ngập đầy nước thải và những mảnh vụn nylon vứt bỏ...
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy, trong điều kiện tự nhiên có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Chính vì thế, sự tồn tại của nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, nhất là vùng đô thị. Nếu túi nylon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch... Bên cạnh đó, việc dùng túi nylon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc. Những túi nylon nhuộm màu xanh, đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến củng gây hại cho sức khỏe con người.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, mỗi ngày người dân thành phố thải ra môi trường khoảng trên 50 tấn túi nilon đã qua sử dụng. Tuy nhiên theo một cán bộ chuyên môn ở Quỹ tái chế chất thải TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện không có thông kê chính xác bao nhiêu phần trăm của con số khổng lồ này được tái chế rồi trở lại thị trường, bao nhiêu phần trăm phát tán ra tự nhiên. "Với thói quen xả rác không đúng chỗ và việc lạm dụng túi nylon trong sinh hoạt, nếu không có biện pháp hạn chế sử dụng túi nylon ngay từ lúc này thì tác hại lên môi trường và sức khỏe con người về sau sẽ vô cùng khủng khiếp và kèm theo đó còn là một thảm họa hình ảnh khi kênh rạch, ruộng đồng ngập tràn rác nilon" - ông cảnh báo.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ngan-ngam-voi-thoi-quen-su-dung-tui-nylon_170921.html