Ngân hàng vẫn 'âm thầm' bán bảo hiểm kèm vay vốn
Mặc dù các quy định pháp luật đã nghiêm cấm việc ngân hàng 'ép' khách hàng mua bảo hiểm (BH) khi vay vốn nhưng tình trạng này vẫn 'âm thầm' diễn ra.
Biến tướng bán bảo hiểm
Là một người có kinh nghiệm vay ngân hàng, chị Trang Thu (32 tuổi, quê Nam Định) cho biết, nếu trước đây các nhân viên ngân hàng thường đề xuất thẳng thừng “nếu không mua BH, ngân hàng sẽ không ký giải ngân” thì kể sau ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, đã không còn tình trạng này. Thay vào đó, các nhân viên ngân hàng tìm cách “bán kèm” BH cho người thân khách vay, như bố mẹ, anh chị em ruột.
"Người đứng tên hợp đồng vay vốn thì không đứng tên hợp đồng BH. Thậm chí, một số hợp đồng đã tham gia cũng sẽ bị hủy nhằm bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng sẽ gợi ý khách hàng tham gia BH cho người thân để tăng điểm tín dụng, việc này do thỏa thuận miệng giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng”- chị Thu chia sẻ.
Mới đây, chị Lê Hòa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khi làm hợp đồng vay vốn với số tiền lớn, tôi cũng được nhân viên ngân hàng mời mua hợp đồng BH nhân thọ. Theo giải thích của nhân viên ngân hàng, nếu mua BH nhân thọ cho người thân, hồ sơ vay sẽ được giải quyết dễ dàng. Chị Hòa nói, không phải là bị ép đúng nghĩa, nhưng nhân viên tín dụng cũng năn nỉ theo kiểu "ủng hộ" nên tôi đành chọn mệnh giá thấp, chỉ đóng hơn 1 triệu đồng/tháng để vui vẻ cả đôi bên.
Sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa gửi tới liên quan vấn đề người dân bị "ép" mua BH khi vay vốn ngân hàng. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân.
“Tôi cũng từng đi vay ngân hàng nhiều nên thừa biết rằng không mua BH đi kèm thì gần như 100% không duyệt khoản vay, miệng thì ngân hàng nói không ép nhưng đố ai mà vay không có BH kèm theo. Về phía khách hàng, do cần vốn nên ở vào thế buộc phải mua để được giải ngân dù ấm ức.”- chị Nguyễn Phương Anh ở Hà Đông kể.
Dù có thêm nhiều quy định mới, nhưng các "chiêu trò mới ép người vay mua BH" cũng dần xuất hiện, nổi bật là việc khách hàng khi vay vốn phải mua BH nhân thọ cho... người thân. Hay thay vì bán BH liên kết đầu tư, phía ngân hàng luồn sang bán BH (tử kỳ, BH sức khỏe, BH cháy nổ)... cho khách khi vay vốn…
Nên tăng chế tài xử phạt
Pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng BH. Kể từ tháng 7/2024, luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cấm ngân hàng bán BH không bắt buộc "gắn kèm" khoản vay, hay nói cách khác là "ép" khách hàng mua BH.
Từ góc nhìn của một số luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực BH, quy định trên có nghĩa là việc bán BH qua ngân hàng (bancassurance) là “bán có điều kiện”, chứ không có chuyện cấm bán hoàn toàn.
“Được hiểu rằng tổ chức tín dụng không được bán kèm với điều kiện phải mua BH thì mới được hạ lãi suất, cho vay, hay những điều kiện khác có tính chất ép buộc. Còn nếu tự nguyện, khách hàng có nhu cầu thì các ngân hàng vẫn được bán BH. Vì thế vẫn còn những kiểu "năn nỉ" khiến khách hàng phải "tự nguyện" dù thực sự chưa có nhu cầu”- LS Trương Thanh Ðức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nói.
“Trong luật không có định nghĩa khách hàng bị "ép" là như thế nào. Vì trên hợp đồng là giấy tờ thì đó là thỏa thuận, tự nguyện của khách hàng”- LS Trương Thanh Ðức nói thêm.
Bán được BH thông qua khoản vay, nhân viên sẽ được hưởng những khoản hoa hồng cao chiết khấu lên đến 40%-60%, ngoài ra còn hoàn thành các chỉ tiêu để nhận các khoản thưởng. Thực tế cho thấy, BH đã mang lại 30%, cá biệt có ngân hàng lên tới hơn 80% nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng.
Nhiều ngân hàng ghi nhận doanh thu tăng từ phí dịch vụ BH. Đơn cử SeABank, thu từ dịch vụ đại lý BH mang về hơn 87 tỷ đồng, tăng hơn 14% cùng kỳ năm ngoái. Techcombank thu từ phí dịch vụ BH 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay,+ 29,69%…
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Chỉ riêng tại một ngân hàng thương mại, số phí bảo hiểm hủy sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng.
NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung). Trong đó đề xuất phạt từ 400-500 triệu đồng nếu các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về gắn sản phẩm BH không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Dù vậy các chuyên gia cho rằng, khi ký kết hợp tác bán độc quyền, phía ngân hàng thường nhận về khoản tiền vài ngàn tỷ đồng từ công ty BH. Vì vậy, quy định phạt 400 - 500 triệu đồng cần nêu rõ hơn, nếu tổng hợp các sai phạm của cả năm và phạt số tiền này thì "như muối bỏ biển", không đủ tính răn đe.
PGS, TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát như thế nào để hoạt động này không bị biến tướng. Để hoạt động bán BH qua ngân hàng đi vào khuôn khổ, lành mạnh và hiệu quả, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, NHNN cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đi kèm với đó là chế tài xử lý vi phạm.
Bên cạnh tăng mức xử phạt, phía cơ quan chức năng gồm NHNN và Bộ Tài chính cũng cần định kỳ công bố thông tin nhận được từ đường dây nóng đã được thiết lập, về các phản ánh cũng như quá trình xử lý liên quan đến những sai phạm trong hoạt động bán BH tại ngân hàng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-van-am-tham-ban-bao-hiem-kem-vay-von.html