Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TPHCM đi vào hoạt động

Ngày 10/4, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã chính thức đi vào hoạt động.

Nguồn sữa hiến tặng được thanh trùng và bảo quản hết sức nghiêm ngặt. Ảnh: Hoàng Hùng

Đây là Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực phía Nam và thứ 2 tại Việt Nam, sau Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng. Với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu.

Theo BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng nguồn sữa của mình, không nhận chi phí. Sữa mẹ được chọn lọc từ các bà mẹ khỏe mạnh, không mắc bệnh lý (như viêm gan siêu vi B, HIV...), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình nghiêm ngặt.

Về phần người nhận sữa, họ chỉ phải trả một chi phí nhỏ để bù đắp cho quá trình xử lý, thanh trùng, lưu trữ sữa, thực hiện các xét nghiệm... tại ngân hàng. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ miễn phí với đối tượng trẻ sơ sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt.

Trước khi triển khai chính thức, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ đã được vận hành thử nghiệm và được Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế TPHCM thẩm định và công nhận đủ điều kiện để cung ứng nguồn sữa mẹ hiến tặng được thanh trùng đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc ưu tiên dành cơ sở hạ tầng cho đơn vị ngân hàng sữa mẹ, Bệnh viện Từ Dũ đã bố trí 6 nhân viên chuyên trách công tác tại đơn vị này, tất cả đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiểm khuẩn, tập huấn và chứng nhận khóa đào tạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, thao tác thành thạo 21 quy trình hoạt động của ngân hàng sữa mẹ, cho đến kỹ năng tư vấn, hướng dẫn cho các bà mẹ tình nguyện hiến tặng sữa mẹ cách vắt sữa đúng.

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Từ Dũ và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho ra đời của ngân hàng sữa mẹ vì ý nghĩa khoa học và nhân văn rất cao của ngân hàng sữa mẹ. Theo ông Nguyễn Viết Tiến, trong thực tiễn, rất nhiều trẻ em không thể tiếp cận được nguồn sữa mẹ, ví dụ những em bé không còn mẹ, người mẹ có bệnh không cho con bú được. Trong khi đó, nhiều bà mẹ căng sữa, dư thừa, con bú không hết lại rất cần được hút bớt ra để hạn chế các nguy cơ áp-xe, tắc tia sữa... Nếu họ hiến tặng số sữa dư thừa này, nhiều em bé sẽ có cơ hội lớn lên khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật và cũng là nguồn động viên cho các bà mẹ không thể cho con bú.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định thời gian đầu ngân hàng sữa sẽ cung ứng cho nhu cầu tại Bệnh viện Từ Dũ, sau đó sẽ mở rộng cung cấp cho các bệnh viện khác trên địa bàn vì quy mô của ngân hàng đủ khả năng cung cấp cho nhiều bệnh viện.

Hiện đã có 13 bà mẹ tình nguyện hiến tặng trên 60 lít sữa. Bệnh viện thanh trùng hơn 20 lít, sử dụng cho 12 bé cân nặng từ 750 gram đến 1,7 kg.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 6.000-7.000 ca sinh non nhẹ cân cần điều trị. Khó khăn của bệnh viện nhiều năm qua là hơn 70% các bà mẹ đến từ các tỉnh xa, không có điều kiện ở lại gần bệnh viện để trực tiếp gửi sữa cho con, các bé đa phần phải sử dụng sữa công thức. Ước tính mỗi ngày ngân hàng cần khoảng 14 lít sữa mẹ để đáp ứng yêu cầu.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/ngan-hang-sua-me-dau-tien-tai-tphcm-di-vao-hoat-dong-102813.html