Ngân hàng nặng gánh trích lập dự phòng rủi ro

Lợi nhuận của các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong thời gian 1, 2 năm trở lại đây, nhưng kèm với đó cũng chưa dứt được nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng vẫn phải tốn chi phí cho trích lập dự phòng rủi ro.

Thống kê báo cáo tài chính của 23 ngân hàng cho thấy 9 tháng đầu năm 2018, tổng chi phí dự phòng rủi ro lên đến 46.616 tỷ đồng, tương đương 42,6% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 3 ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV có tổng nợ xấu chiếm hơn nửa toàn hệ thống. Trong khi đó ở khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng gia tăng trích lập dự phòng. Ngân hàng SCB dành tới 92% lợi nhuận kiếm được so với mức 71% cùng kỳ năm 2017. MaritimeBank trích lập dự phòng rất cao, tới 74% so với mức 43% cùng kỳ 2017 do nợ xấu tăng lên 2,48%.

Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng do nợ xấu đang quay trở lại. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.

Nhiều chuyên gia cho rằng, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro. Nhưng có câu hỏi đặt ra, lợi nhuận tăng tại sao ngân hàng lại phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, phải chăng còn lý do nào khác ngoài nợ xấu? Nếu bóc tách kỹ kết quả kinh doanh, có thể thấy, các ngân hàng vẫn sống dựa chủ yếu vào tín dụng. Ngân hàng càng lớn, cho vay càng nhiều thì lãi càng cao. Tuy nhiên, hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua là rủi ro tín dụng cũng tăng lên. Do đó, dù lợi nhuận thu về rất lớn, song nhiều ngân hàng đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.

Bản chất của chi phí trích lập dự phòng rủi ro là dự phòng một khoản tiền cho các khoản vay có vấn đề. Do đó, chi phí cho khoản dự phòng sẽ được lấy từ lợi nhuận của ngân hàng và được khấu trừ khỏi thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí dự phòng tăng đồng nghĩa quy mô lợi nhuận tính thuế của các ngân hàng sẽ giảm xuống, thuế phải nộp sẽ ít đi. Tuy nhiên, khi mỗi đồng nợ xấu được xử lý, thu hồi, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập bất thường. Vì thế, nhiều ngân hàng cho rằng khoản chi phí dự phòng này như “của để dành” sẽ quay trở lại và làm tăng lợi nhuận tính thuế trong tương lai.

Nhiều quan điểm cho rằng, việc ngân hàng phải chi mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro cho thấy hai khía cạnh: Ngân hàng đang thận trọng lo xa và tín dụng đang tăng nóng, dẫn đến chất lượng khoản vay còn nhiều rủi ro.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/ngan-hang-nang-ganh-trich-lap-du-phong-rui-ro-tintuc423955