Ngắm nhật thực toàn phần duy nhất trong năm 2024

Hàng triệu người ở miền Bắc Mexico, Mỹ và Đông Nam Canada vừa có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần hàng trăm năm mới có một lần vào ngày 8/4 (giờ địa phương, đêm mùng 8 đến rạng sáng ngày 9/4 tại Việt Nam).

Nhật thực toàn phần nhìn từ Đại học Bishop ở Sherbrooke, Quebec (Canada). Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo

Nhật thực toàn phần "trăm năm có một"

Nhật thực toàn phần ngày 8/4 được đặt biệt danh là Nhật Thực Đại Mỹ vì đường đi kéo dài của nó tại khu vực Bắc Mỹ - đã xuất hiện trên bầu trời ở một số khu vực của Mexico, Canada và 15 bang của Mỹ.

Đây là hiện tượng nhật thực toàn phần dài nhất ở Mỹ kể từ năm 1806, cũng là nhật thực toàn phần tối nhất ở Mỹ trong vòng 217 năm. Ở biên giới Mỹ - Mexico, thời gian quan sát nhật thực toàn phần có thể lên tới 4 phút 26 giây.

Thành phố Mazatlan của Mexico là nơi đầu tiên chứng kiến nhật thực toàn phần khi nó bắt đầu xuất hiện trên Thái Bình Dương. Nhật thực toàn phần đạt đỉnh điểm ở Mazatlan vào lúc 11 giờ 07 phút sáng ngày 8/4 (giờ địa phương) và kéo dài hơn 4 phút.

Theo NASA, nhật thực toàn phần mang tới "những cơ hội khoa học phi thường". Các nhà khoa học có thể thu thập những dữ liệu quý giá từ bầu khí quyển của Mặt trời, Trái đất, đến hành vi lạ thường của động vật...

Một điểm thú vị khác là trong thời gian diễn ra nhật thực, người xem có thể quan sát được sao chổi 12P/Pons-Brooks.

NASA cho biết, sau nhật thực toàn phần ngày 8/4/2024, nhật thực toàn phần tiếp theo có thể được nhìn thấy từ các bang của Mỹ là vào ngày 23/8/2044.

Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, khiến Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn nếu nhìn từ Trái đất. Những người quan sát đứng trong phạm vi đường di chuyển của nhật thực toàn phần sẽ nhìn thấy giai đoạn toàn phần. Tuy nhiên, những người đứng ngoài đường di chuyển này sẽ chỉ nhìn thấy nhật thực một phần. Khi xảy ra nhật thực, bầu trời sẽ tối như lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

Nhật thực toàn phần xuất hiện trên hành tinh trung bình 18 tháng một lần, tuy nhiên, một địa điểm cụ thể có thể phải chờ hàng trăm năm hiện tượng này mới lặp lại.

Những hình ảnh ấn tượng trong sự kiện nhật thực toàn phần tại Bắc Mỹ ngày 8/4

Hiệu ứng "nhẫn kim cương" khi Mặt trăng che khuất Mặt trời tại Fort Worth, Texas (Mỹ). Ảnh: Ron Jenkins/Getty

"Chuỗi hạt Baily" là một giai đoạn ngắn của nhật thực (xuất hiện các hạt ánh sáng) xảy ra ngay trước nhật thực toàn phần. Ảnh: Heinz-Peter Bader/Reuters

Mặt trăng đi qua phía trước Mặt trời với hình bóng của đỉnh Tượng đài Washington (Mỹ). Ảnh: Bill Ingalls/NASA/AP

Mặt trăng che một phần Mặt trời khi nhìn từ Eagle Pass, Texas (Mỹ). Ảnh: Eric Gay/AP

Mặt trăng che một phần Mặt trời phía sau Tượng Nữ thần Tự do tại New York (Mỹ). Ảnh: Yuki Iwamura/AP

Hàng nghìn người dân Montreal (Canada) chứng kiến nhật thực toàn phần hiếm gặp. Ảnh: Ryan Remiorz/The Canadian Press.

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cung-ngam-nhat-thuc-toan-phan-duy-nhat-trong-nam-2024-179240409080226953.htm