Nga là 'ông chủ mới', Mỹ muốn có NATO Trung Đông

Mỹ muốn thành lập liên minh NATO Arap nhằm đối phó Iran. Đây có phải là mục đích thật sự của đề xuất này?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox Business Network vào hôm 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hé lộ về sự ủng hộ của Nhà Trắng cho một "liên minh lịch sử - (NATO Trung Đông)", lần này nhằm đối phó với Iran tại Trung Đông.

Ngoại trưởng Pompeo tỏ ra tin tưởng, "một số lượng lớn các quốc gia cho biết họ muốn là một phần của liên minh này trong một tương lai không quá xa". Liên minh mới sẽ giữ cho Trung Đông được ổn định trong những năm tới.

"Tôi nghĩ mọi quốc gia đều hiểu rằng đó là lợi ích tốt nhất cho họ. Và giờ chúng tôi phải bàn bạc chi tiết để đưa nó thành sự thực", ông Pompeo nói.

Binh sĩ Mỹ tại Syria.

Đây không phải là một ý tưởng mới. Trong kế hoạch của Mỹ, ban đầu, khối NATO Trung Đông sẽ có các thành viên gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar, Ai Cập, Jordan, Kuwait.

Nói về kế hoạch của Mỹ, Chỉ huy Không quân Hoàng gia Bahrain, Thiếu tướng al-Khalifah, nói rằng ý tưởng của người Mỹ đã được các nước vùng Vịnh Arap chấp thuận.

"Dù chưa có định hình và các cơ chế cụ thể, nhưng chúng ta nên kỳ vọng liên minh này sẽ sớm được thành lập. Các quốc gia Arap đang đứng trước nhiều thách thức và cần phải đoàn kết để đối phó với chúng" - Thiếu tướng Khalifah cho biết.

Hồi tháng 10/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain cũng thông tin cho rằng liên minh này sẽ được thành lập vào năm 2019. Tất cả các thành viên được gia nhập liên minh với điều kiện duy nhất là có mối quan tâm đến sự bành trướng của Iran trong khu vực.

Nhiều nhà quan sát cho rằng liên minh này sẽ tương tự như một NATO ở Trung Đông với sự dẫn dắt của Mỹ. Israel chưa chắc đã là thành viên chính thực của lực lượng, tuy nhiên Israel sẽ là một đồng minh, cung cấp đầy đủ các thông tin trinh sát cũng như nguồn lực quân sự cho lực lượng NATO này.

Phía Washington cũng cho rằng liên minh Mỹ và thế giới Arap là cần thiết, trong bối cảnh khu vực Trung Đông biến động từng ngày và nhiều thế lực mới đang muốn thay đổi hiện trạng cả khu vực. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan từng nhận định Mỹ đang đơn độc ở Trung Đông và cần có những người bạn Arap kề vai.

Và cũng đã có những động thái đầu tiên. Hồi cuối năm 2018, Các đơn vị quân đội từ Ai Cập và 5 quốc gia Arap gồm UAE, Arab Saudi, Bahrain, Jordan, Kuwait cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật dưới mô hình liên quân liên minh tại vùng sa mạc gần thủ đô Cairo.Cuộc tập trận này mang tên "Arab Shield" (Lá chắn Ả Rập) và được phối hợp tác chiến với tất cả các binh chủng thuộc hải quân, không quân, bộ binh.

Tuy nhiên, không thể quên vai trò của người Nga. Thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đã đưa Nga lên vị trí được nói nôm na là 'ông chủ mới ở Trung Đông'. Bản thân các nước Trung Đông cũng đang có những mối liên hệ thân thiết với cường quốc đang tham gia định hình địa chính trị khu vực này. Câu hỏi được đặt ra là Mỹ đang muốn đối phó với ai, Iran hay vẫn là cuộc xung đột cường quốc Nga - Mỹ, nguyên nhân chính hình thành khối NATO châu Âu.

Khả năng thứ nhất, như Mỹ luôn nói là để đối phó với Iran. Muốn đạt được sự thống nhất cao, mâu thuẫn sắc tộc sẽ phải được khơi sâu và Trung Đông sẽ bất ổn hơn. Ai cũng biết, không thể hòa giải mâu thuẫn sắc tộc bằng vũ khí, súng đạn.

Khả năng thứ hai, mục tiêu của Mỹ là Nga. Như vậy, Mỹ sẽ phải thổi phồng hình ảnh 'ngáo ộp' Nga, chiêu thức đã bị bóc mẽ nhiều lần ở châu Âu và đương nhiên khó có thể đánh lừa những đồng minh Trung Đông.

Tuy nhiên, nếu thuyết phục được các nước Trung Đông, Mỹ sẽ yên tâm tại vị ở khu vực này. Đồng thời, khoản ngân sách đóng góp cho NATO Trung Đông cùng với các hợp đồng vũ khí sẽ mang lại cho Mỹ nguồn ngân sách duy trì sự hiện diện mà còn hơn thế nữa. Nước Mỹ thời ông Trump luôn đặt mình lên trên hết nhưng không phải ai cũng có thể chia sẻ điều này.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-la-ong-chu-moi-my-muon-co-nato-trung-dong-3374224/