'Nếu chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh, rất khó đảm đương công vụ'

Cơ cấu tổ chức HĐND, thường trực HĐND các cấp nhận được sự quan tâm lớn từ các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 10-6.

Đồng tình với việc giao cho Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, không chỉ quy định về khung số lượng mà còn cho phép địa phương tùy ý xác định sẽ có cơ quan nào nằm trong bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện của mình. "Làm như vậy sẽ thành ra mỗi nơi một khác, có thể gây ra khó khăn, phức tạp trong quản lý theo ngành dọc”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Theo vị đại biểu tỉnh Bắc Giang, dự luật giao Chính phủ quy định nhưng phải rõ ràng, tương đối thống nhất về tổ chức UBND tỉnh, huyện. Giữa các địa phương, sự khác nhau có chăng chỉ là một chút do điều kiện đặc thù vùng miền (đô thị, nông thôn) và sự khác nhau này cũng phải được Chính phủ quy định rõ ràng, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi cách như vừa qua thí điểm nhập các cơ quan trong hệ thống chính trị của các địa phương.

Việc giảm còn 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, theo ông Lâm, không nên cứng nhắc, chỉ “cứng” quy định quản lý về biên chế chuyên trách HĐND, tùy tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 phó chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó quy định từng cấp.

Cùng bàn về quy định giảm 1 phó chủ tịch và 1 phó ban HĐND trong dự luật, từ thực tế địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cấp huyện giảm còn 1 phó chủ tịch là được song giữ nguyên Phó trưởng ban chuyên trách như hiện nay, công việc của HĐND sẽ tốt. Như vậy, cả nước sẽ giảm được hơn 700 biên chế chuyên trách HĐND cấp huyện.

“Riêng cấp tỉnh phải có 2 phó chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ phó chủ tịch còn nhiều mối quan hệ khác trong mối quan hệ của mình, nếu chỉ có 1 phó chủ tịch sẽ rất khó đảm đương công vụ. Về biên chế, 63 người không là bao nhiêu trong tổng biên chế chung”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Đình Giang (đoàn Hà Tĩnh) lưu ý, theo quy định chức năng nhiệm vụ của Thường trực HĐNĐ có tới 10 nhiệm vụ cụ thể, vì vậy nếu quy định giảm còn 1 phó chủ tịch HĐND tỉnh thì rất khó đáp ứng nhu cầu công việc.

Về quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) bày tỏ đồng tình song đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách, bởi thực tế thời gian qua cho thấy số đại biểu chuyên trách, đặc biệt là phó chủ tịch HĐND và phó ban HĐND các cấp đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ, tránh tính hình thức như trước đó.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật, trước khi trình Quốc hội thông qua.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/neu-chi-con-1-pho-chu-tich-hdnd-tinh-rat-kho-dam-duong-cong-vu/813570.antd