Nét xưa trong lòng phố thị

Trong lòng phố thị nhộn nhịp, đa sắc màu vẫn bắt gặp những quán xá với phong cách,

Trong lòng phố thị nhộn nhịp, đa sắc màu vẫn bắt gặp những quán xá với phong cách, "ngôn ngữ” thiết kế xưa cũ nhưng lại rất đỗi cuốn hút. Có những không gian tràn ngập hình ảnh, kỷ vật về thời bao cấp đã chạm đến những ký ức đầy hoài niệm của những người "cũ”, cũng như khơi sự tò mò, hiếu kỳ đối với người trẻ.

Ghế sa lông thùng gỗ, rèm con công, ti vi đen trắng đã gợi lên sự hoài niệm về thời kỳ bao cấp

ở quán cà phê Phố cổ.

Quán Cộng San cà phê trên đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) được thiết kế ấn tượng.

Bên dòng Đà Giang vỹ hùng, hàng chục năm qua, thành phố Hòa Bình vươn mình mạnh mẽ. Những năm gần đây, bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày, với diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại. Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên hai bờ sông Đà được kết nối bằng cây cầu hiện đại. Đến nay, đã có thêm 2 cây cầu to, đẹp bắc qua con sông thơ mộng này. Sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hòa Bình với nhiều công trình hiện đại, nhiều dịch vụ mới, quán xá mang phong cách mới ra đời. Nhưng đâu đó ta vẫn bắt gặp những nhà hàng, quán cà phê mang đậm phong cách hoài cổ hoặc mang dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào Mường. Hay các con phố vẫn còn những người hành nghề cắt tóc vỉa hè. Tất cả đã tạo nên nét chấm phá thú vị, một sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại trong bức tranh chuyển mình của phố thị.

Những góc hoài niệm trong lòng phố

Cà phê Phố cổ nằm ở trung tâm của "phố cổ” Phương Lâm (thành phố Hòa Bình). Đây là một địa điểm yêu thích của nhiều người, nhưng không chỉ vì chất lượng cà phê, mà còn vì không gian độc đáo. Trái với những quán cà phê được xây dựng với ngôn ngữ thiết kế hiện đại, cà phê Phố cổ lại đi theo triết lý của thiểu số. Bước vào quán, điều ấn tượng đầu tiên với thực khách chính là các vật dụng, đồ trang trí trong quán đều khá "cũ”. Nói không quá, quán như một bảo tàng mini, trưng bày các đồ vật của thời kỳ bao cấp và một số kỷ vật chiến tranh. Chủ nhân của quán là anh Bùi Anh Tuấn (sinh năm 1975), một người đam mê với những món đồ "cũ” và đã có thâm niên sưu tầm hàng chục năm.

Anh Tuấn sinh trưởng trong gia đình quân đội, bản thân cũng từng tham gia quân ngũ. Do đó, anh trân trọng và dành nhiều thời gian để sưu tầm các kỷ vật chiến tranh. Ở trong quán cà phê hiện tại, nhiều kỷ vật được trưng bày, trong đó có những chiếc ấm, điếu cày được làm từ vỏ máy bay, hay chiếc áo trấn thủ, bình bi đông của bộ đội với tuổi thọ ngót nửa thế kỷ. Ngoài ra, anh Tuấn còn lưu giữ được những tờ báo quý, được xuất bản trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: số Báo Nhân Dân ra ngày 31/12/1975, hay tờ Báo Quân đội Nhân dân xuất bản năm 1975.

Đặc biệt, anh Tuấn đang sở hữu nhiều món đồ quý, hiếm gắn với thời kỳ bao cấp. Bước vào quán, ấn tượng đầu tiên là chiếc xe đạp Phượng Hoàng còn khá mới, nguyên vẹn được treo trên tường; kế đến là chiếc cân bàn, các tờ tiền, công trái, đài cát sét, máy ảnh cơ, điện thoại bàn, máy đánh chữ, đèn ngủ, ti vi, đồng hồ, đèn dầu, đèn bão, một số chai rượu, bao thuốc lá và nhiều vật dụng khác, tất cả đều "cũ” và khó tìm trong thời điểm hiện tại. "Tôi thật sự cảm thấy bất ngờ vì rất nhiều đồ đạc quen thuộc của mấy chục năm trước tưởng chỉ còn trong ký ức, nay lại xuất hiện đầy đủ trong quán cà phê. Trong đời sống hiện đại, chủ quán còn lưu giữ được những đồ vật này quả thật rất quý”, ông Nguyễn Văn Đương (71 tuổi, phường Phương Lâm), một vị khách ruột của quán chia sẻ.

Nốt lặng trong lòng phố thị

Theo anh Tuấn chia sẻ, anh bắt đầu sưu tầm các món đồ "cũ” từ khi còn thanh niên, có nhiều món đồ người ta vứt đi được anh nhặt về. Như bộ bàn ghế sa lông thùng gỗ kê trong quán. Khi thấy một người dân bỏ đi, anh Tuấn đã thuê xích lô chở bộ bàn ghế về hết 200 nghìn, nhưng sửa lại mất 12 triệu đồng. "Nhiều người bảo anh ấy hâm vì toàn đi sưu tầm những món đồ cũ kỹ. Nhưng nhờ những món đồ xưa, nhất là các đồ vật gắn liền với thời kỳ bao cấp mà anh ấy đã lên ý tưởng thiết kế không gian cho quán. Ban đầu vợ chồng tôi nghĩ rằng, với không gian quán như này thì chỉ phù hợp với khách trung tuổi, những người đã sống qua thời bao cấp. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác, cứ mười người khách đến quán chắc phải có đến chín người trẻ tuổi”, chị Loan, vợ anh Tuấn chia sẻ.

Anh Mạnh (42 tuổi), một người đam mê phượt đến từ Hà Nội. Anh và nhóm bạn thường chạy xe máy lên Hòa Bình, rồi ngược Sơn La. Hai năm trước, trong lần qua phố cổ Phương Lâm, anh Mạnh có dịp ghé thăm quán cà phê độc đáo này. Anh Mạnh và nhóm bạn ấn tượng với những món đồ trưng bày trong quán. "Không gian bên trong quán có diện tích vừa phải, được bày trí giống như phòng khách của những ngôi nhà trong thời kỳ bao cấp. Đặc biệt tôi rất ấn tượng với những món đồ từ ngày xưa được chủ quán chăm chút, giữ gìn rất cẩn thận”, anh Mạnh chia sẻ.

Theo chị Loan chia sẻ: Có những vị khách sau khi đến quán thưởng thức cà phê đã mang tặng cho quán phích nước, đồng hồ ngày xưa để trưng bày. Nhưng cũng có nhiều khách đến hỏi mua lại các đồ vật để sưu tầm. Đặc biệt có vị khách từ Hà Nội ở lại hai ngày để năn nỉ chủ quán bán lại cho mình một số đồ vật. Nhưng với anh Tuấn, khách có thể thoải mái chụp ảnh, tìm hiểu về các đồ vật nhưng không được mang ra khỏi quán. Ngoài những đồ vật được trưng bày ở cà phê Phố cổ, anh Tuấn hiện còn giữ gìn nhiều đồ vật "cũ” khác. Có thể, ở địa bàn thành phố Hòa Bình, anh Tuấn là một trong số những người đang sở hữu nhiều nhất các món đồ quý, hiếm của thời kỳ bao cấp.

Trong lòng phố thị, ngoài cà phê Phố cổ vẫn còn những không gian đem đến trải nghiệm hoài niệm. Như trên đường Cù Chính Lan, ngay gần chợ Phương Lâm có Cộng San cà phê, quán được sơn màu xanh thẫm, với những khung cửa sổ bằng gỗ đã tạo nên nét trầm mặc giữa phố thị vốn đang được bao trùm bởi tông màu sặc sỡ. Bên trong quán là không gian "hiện thân của quá khứ", với nền gạch kẻ ca rô xanh - trắng đan xen. Điểm tô giữa không gian có màu sắc nhẹ nhàng đó là sắc đỏ sặc sỡ của những chăn con công, vải con công được chủ quán khéo léo may vào chiếc gối tựa, lồng đèn trong quán. Được biết, trong thời kỳ bao cấp, những gia đình nào sở hữu chăn công cũng thuộc diện khá giả.

Trong nhịp sống hiện đại, phố phường ngày càng "lột xác", khang trang, sặc sỡ hơn thì những không gian "cũ” như: Cà phê Phố cổ, Cộng San cà phê là điểm chấm phá thú vị. Không gian đầy hoài niệm với những món đồ quý của hàng chục năm về trước sẽ là một trong những địa điểm đem đến trải nghiệm thú vị ở phố thị.

Cao Viết

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/186531/net-xua-tr111ng-long-pho-thi.htm