Nét đẹp nơi miền đất cổ

Vùng đất Cao Sơn (trước là xã Cao Răm) huyện Lương Sơn có 4 di tích quốc gia gồm: hang Chổ, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng… Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều dấu tích của người xưa mà còn giữ nét văn hóa cộng đồng bao đời nay.

Nhờ anh em bạn bè giúp đỡ, chuồng dê của gia đình anh Bùi Văn Bảy ở xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn) sớm hoàn thành. Dấu ấn người xưa Dẫn chúng tôi đi thăm di tích hang Chổ, anh Bùi Văn Thành, trưởng xóm Hui cho biết: "Tuy chưa xây dựng thành khu du lịch phục vụ du khách nhưng hang thường xuyên có các đoàn khảo cổ, đoàn học sinh, sinh viên ở nhiều nơi đến tham quan. Hang này không sâu nhưng rộng, không khí thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Những ngày hè nắng nóng, bà con đến đây tránh nắng. Có người còn ngủ ở hang qua đêm. Còn ngày giá rét, bà con thường đến hang quây quần sưởi ấm. Cũng từ những lần tránh nắng,bà con đã phát hiện dấu tích người xưa". Anh Thành đưa tôi đi xem trong hốc đá lẫn trong tầng ốc ở khe hang hẹp, bà con phát hiện được bộ răng hóa thạch. Đây là những hiện vật quý giúp các nhà khoa học có thêm dữ liệu về hang Chổ và nền Văn hóa Hòa Bình. Hang Chổ ở xóm Hui, xã Cao Sơn nằm phía Tây Nam dãy núi Sáng, cửa hang quay hướng Tây Nam là một mái đá cao ráo, thoáng mát, cao hơn mặt ruộng 6,5m. Hang có 2 cửa ngăn cách nhau bởi một tảng đá lớn có chu vi 27m, cửa chính rộng 11m, cửa phụ rộng 5,5m, cao trung bình 10 m. Hang ăn sâu vào lòng núi 15m, vào trong thu hẹp dần. Chiều ngang của lòng hang có chỗ rộng nhất lên tới 14m, các cửa đều quay hướng Tâyđón cơn gió mát lành về mùa hè, tránh được cơn gió bấc lạnh giá về mùa đông. Hang Chổ đã được bà M.Colani, nhà nữ khảo cổ học người Pháp khai quật từ tháng 12 năm 1926 (Tài liệu chưa công bố). Lần khai quật này, bà đã thu được 1.143 hiện vật các loại. Hiện nay, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ nhiều hiện vật của hang Chổ gồm: Xương động vật, nhiều chủng loại công cụ đá, công cụ chặt, công cụ hình đĩa, công cụ hình hạnh nhân và một trong những mảnh tước nhiều chủng loại. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong các lần khai quật, thám sát đã khẳng định: Di tích hang Chổ là nơi cư trú lâu dài của cư dân tiền sử Hòa Bình. Đồng thời còn là di chỉ Xưởng có niên đại trên dưới 10.000 năm cách ngày nay, trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta. Giữ nét văn hóa cộng đồng Sống dựa vào thiên nhiên, chủ yếu là săn bắn, hái lượm nên cộng đồng dân cư của Văn hóa Hòa Bình luôn giúp đỡ, tương trợ nhau trong lao động, sản xuất.Ngày nay, nhân dân xã Cao Sơn không chỉ sống bằng nông nghiệp mà nhiều hộ gia đình, nhất là lực lượng lao động trẻ đi làm trong các khu công nghiệp có nguồn thu nhập cao. Ông Bùi Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tác động của cơ chế thị trường nhưng nhiều nét văn hóa của cộng đồng người Mường nơi đây vẫn còn giữ nguyên bản sắc. Họ gắn kết nhau qua tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất và khi có công việc gia đình. Trước đây, khi một hộ làm nhà thì gia chủ chỉ lo một phần vật liệu, công thợ. Các hộ trong làng xóm sẽ góp gỗ, gianh và cử một lao động trong gia đình đến làm nhà giúp. Giờ đây, tuy không còn nhà gỗ, tranh, nhưng các hộ trong xóm đều góp công, sức để hỗ trợ gia chủ. Trong sản xuất cũng vậy, các hộ huy động người tương trợ gia chủ bằng hình thức đổi công hay giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn. Đặc biệt khi gia chủ có tang gia thì việc hỗ trợ từ làng xóm là chủ yếu. Gần hang Chổ là khu vườn đất của gia đình anh Bùi Văn Bảy ở xóm Hui. Anh đang làm chuồng dê. Anh cho biết: Mấy năm nay tôi nuôi dê để trên núi đá nên không hiệu quả. Năm nay có điều kiện, tôi mua vật liệu nhờ anh em bạn bè, hàng xóm đến hỗ trợ làm. Nhiều người đang đi làm nơi xa, công cao nhưng khi biết bạn bè, hàng xóm có công việc nhờ đã xin nghỉ về giúp đỡ. Ngay gia đình tôi cũng vậy, khi anh em hàng xóm nhờ thì tận tình hỗ trợ. Đó là tục lệ của người dân nơi đây bao đời nay vẫn thế. Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/171670/net-dep-noi-mien-dat-co.htm