Nên giảm tiếp lãi suất để kích cầu nội địa
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tác động của Covid-19 chưa lường trước được bởi diễn biến còn phức tạp trên thế giới.
Vì thế, cần kích cầu nội địa bằng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc giảm lãi suất.
TS. Trần Du Lịch
Nhận định của ông về tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế và các gói hỗ trợ, kích cầu của Việt Nam đã phát huy tác dụng ra sao?
TS. Trần Du Lịch: Như chúng ta đã thấy, tác động của Covid-19 đến đời sống, kinh tế - xã hội rất nặng nề. Việt Nam đã kiểm soát được dịch, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đối mặt. Tác động và hậu quả của Covid-19 đến nay vẫn chưa lường được.
Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng âm, nhưng hậu quả của dịch bệnh gây ra còn kéo dài, vì chưa kiểm soát được dịch. Vì thế, khó khăn đối với chúng ta cũng chưa thể cải thiện khi quốc tế còn chống dịch.
Khi Covid-19 diễn ra, Chính phủ đã sớm triển khai các giải pháp cũng như đưa ra các gói kích cầu. Tuy nhiên, theo tôi, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, nên cần đẩy mạnh hơn. Đồng thời, các gói chính sách phải mang tính dài hạn, bởi có dự báo cho rằng, một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động, phải sang quý III/2020 mới bị ảnh hưởng nặng nề, do đứt gãy các hợp đồng, nhất là xuất khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng, cần có giải pháp trung, dài hạn sang đến năm sau hoặc lâu hơn, kể cả với chính sách tài khóa và chính sách tài chính.
Dư địa chính sách tài chính, tài khóa của Việt Nam được cho là còn lớn. Theo ông, có nên nới thêm để kích thích tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng?
Xuất khẩu đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, nên chúng ta phải làm sao để kích cầu nội địa, tận dụng cơ hội. Còn với đầu tư công, cần tăng giải ngân, tức cần tăng dư nợ đầu tư công, nhưng phải kiểm soát được. Điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt các mục tiêu: kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất...
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng dịch. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm mới đạt 3,26% - mức tương đối thấp. Vì vậy, theo tôi, cần xem xét để giảm thêm lãi suất huy động, giảm tiếp lãi suất đầu ra cho một số phân khúc khách hàng để kích cầu tín dụng và tiêu dùng trong nước.
Tín dụng tăng thấp trong bối cảnh hiện nay được cho là do nền kinh tế khó hấp thụ vốn. Liệu việc đẩy mạnh tín dụng có tác động lên lạm phát, nợ xấu trong năm nay không, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp chưa có nhu cầu vốn vay. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem xét để giảm thêm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Trong đó, với khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có một chính sách tín dụng lãi suất thấp hơn để hỗ trợ khối doanh nghiệp này; kích thích tăng trưởng tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng ở mức hợp lý.
Còn vối đối lạm phát trong năm nay, với diễn biến thị trường đang được kiểm soát ở mức 3 - 3,5%, nên cũng không quá lo. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4%, vì thế, việc giảm lãi suất, đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh hiện nay cũng là vấn đề xem xét.
Tín dụng năm 2020 được đánh giá khó tăng cao, song nợ xấu được cảnh báo gia tăng do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có dịch bệnh, thì nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận ở một mức phù hợp, chứ không thể quay lại bài toán nợ xấu cao như thời điểm trước đây.
Kiến nghị của ông về các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa hiện nay?
Đề nghị của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia hiện nay là ưu tiên kiểm soát Covid-19, nên chưa mở du lịch quốc tế.
Với du lịch nội địa, để kích cầu, chúng ta cần quan tâm đến các công ty vận tải, hàng không. Hiện hàng không đã mở lại đường bay nội địa, song chủ yếu là các chuyến bay giá rẻ, nên chưa hẳn đủ bù chi phí. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Cần có giải pháp dài hạn để tháo gỡ về thể chế, đột phá để kích cầu nội địa, kích cầu kinh tế, tức phải có sự tháo gỡ cụ thể, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để nắm bắt cơ hội, trong đó có cả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ông, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức nào là có cơ sở?
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất kịch bản tăng trưởng 3 - 4% trong năm nay, tùy thuộc vào tình hình tháo gỡ khó khăn, chi tiêu nội địa, nhưng ưu tiên vẫn là kiểm soát dịch bệnh. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4 % GDP để có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.