Nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp, mở ra chương mới
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thành công tốt đẹp - đã mở ra chương hợp tác mới trong một kỷ nguyên mới giữa Việt Nam và Pháp sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đưa hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Thủ đô Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, sau hơn nửa thế kỷ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và một thập kỷ thiệt lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Pháp đã có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Pháp luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, có vai trò và vị thế trong cộng đồng Pháp ngữ và trên thế giới.
Trước sự phát triển sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Pháp, cũng như để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay của quốc tế và khu vực, hơn lúc nào hết, quan hệ Việt Nam - Pháp cần được nâng cấp lên tầm cao mới. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron nhất trí trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đưa ra ngày 7-10 tại Thủ đô Paris của Pháp. Đây là dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa Pháp và Việt Nam sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1973) và hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2013). Với việc nâng cấp quan hệ, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mở ra chương hợp tác mới trong một kỷ nguyên mới giữa hai nước.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được lãnh đạo cao nhất của hai nước nhất trí đã vạch ra những phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa hợp tác toàn diện Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới. Đánh giá hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng, hai bên cam kết phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường năng lực tự cường, phù hợp với nhu cầu của mỗi bên. Để đạt được mục đích đó, hai bên quyết định tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu. Hai bên mong muốn tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác, tham vấn cũng như các hoạt động đào tạo, theo các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là trong các lĩnh vực quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ, cứu nạn. Hai bên cam kết tăng cường trao đổi thông tin trong hoạt động chống tội phạm... Hai bên tái khẳng định quyết tâm chung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, trụ cột của quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong lĩnh vực này; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA); đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội thông qua hiệp định này. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng và Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, hàng không vũ trụ, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen…
Nền tảng vững chắc hướng tới tương lai
Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện khi hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển rất tích cực. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa hai nước. Pháp coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN, hiệp hội có vị trí quan trọng liên quan tới ổn định, hòa bình trong khu vực mà Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ.
Hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 5,33 tỉ USD năm 2022; 4,8 tỉ USD năm 2023. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thủy sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan… Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn; trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Pháp vào Việt Nam từ năm 1993 đến nay là hơn 18,4 tỷ USD. Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực tại Việt Nam. Năm 2021, các doanh nghiệp Pháp có dự án đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tháng 1-2023, các nhà đầu tư đến từ Pháp bổ sung thêm 2 dự án mới với tổng vốn đăng ký 10,65 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI của Pháp tại Việt Nam từ trước đến nay lên 660 dự án, trị giá 3,8 tỷ USD.
Hai nước hiện hợp tác và tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, giúp hàng hóa Việt Nam củng cố vị thế tại thị trường châu Âu, đồng thời mở rộng cánh cửa cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp. Hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là nước có vị thế và uy tín chính trị cao trên thế giới, có nền kinh tế phát triển, có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động về đối ngoại và hội nhập, có vai trò quan trọng trong ASEAN. Nhận định từ các chuyên gia, kể từ khi thiết lập quan hệ song phương, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra cơ hội và triển vọng lớn, tạo động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Pháp.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác lần này là Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá sau hơn 10 năm thiết lập và triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.