Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Lũ lụt đổ xuống miền Trung những ngày vừa qua tiếp tục là lời cảnh báo về sự phức tạp, nguy hiểm của biến đổi khí hậu, đòi hỏi cần chủ động và quyết liệt trong các giải pháp phòng, chống lụt bão.

Tuy nhiên trong thực tế, các lòng sông, hành lang bảo vệ đê điều lại thường xuyên bị xâm hại, có nơi hết sức nghiêm trọng; và luôn là vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn 1.513 vụ vi phạm pháp luật đê điều chưa được xử lý dứt điểm, trong khi số vụ vi phạm mới tiếp tục diễn biến phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan.

Trong những năm gần đây, miền Bắc nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng chưa phải gánh chịu những trận lụt lớn, những cơn bão mạnh. Mặt khác, do chưa nhận thức được hết tính phức tạp, khẩn cấp trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu nên nhiều địa phương có biểu hiện chủ quan, lơ là. Đáng nói hơn là, một số địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý, không làm đúng chức trách nhiệm vụ... Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm tồn đọng, tái vi phạm, phát sinh vi phạm mới.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp, bão lũ, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3207/UBND-KT ngày 20-7-2020 về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố. Mới đây nhất, ngày 9-10-2020, UBND thành phố tiếp tục ban hành Văn bản số 4890/UBND-KT về thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ (ngày 15-9-2020) tại cuộc họp về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Để tiếp tục tạo sự chuyển biến toàn diện trong công tác phòng, chống thiên tai, trước hết cần xử lý dứt điểm những vi phạm tồn đọng, ngăn chặn tình trạng tái vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai. Trong đó, các lực lượng chức năng của thành phố tăng cường công tác phối hợp, xử lý nghiêm các vi phạm kéo dài để răn đe, tránh tình trạng “nhờn luật”.

Và trên hết, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao ý thức, trách nhiệm. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, chính quyền các cấp cần thực hiện đúng chức trách được giao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng tái vi phạm, vi phạm mới đối với hành lang đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai. Thậm chí, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, như tạm đình chỉ công tác với chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không kịp thời xử lý vi phạm, để vi phạm kéo dài. Từ đó giúp cấp cơ sở, nhất là người đứng đầu thấy rõ trách nhiệm, thực hiện đúng thẩm quyền được giao.

Cùng với đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền địa phương và mỗi người dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhiệm vụ bảo vệ hành lang đê điều, công trình phòng, chống thiên tai. Mỗi người dân cũng cần ý thức rõ trách nhiệm trước sự an nguy của chính bản thân và cộng đồng để bản thân không vi phạm, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của những người xung quanh.

Bảo vệ hành lang đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai không chỉ là chức trách, nhiệm vụ của các cấp chính quyền mà thực sự còn là ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả cộng đồng.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/981243/nang-cao-y-thuc-trach-nhiem