Nâng cao giá trị, 'đổi đời' nhờ cây chè

Từ lâu, cây chè được biết đến là 'đặc sản' của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, hương vị của mỗi loại không giống nhau do thổ nhưỡng canh tác và phương pháp chế biến khác nhau của mỗi địa phương. Ở Hà Nội, tận dụng thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình trồng chè an toàn. Mô hình này đã và đang giúp nhiều nông dân làm giàu, góp phần phát triển kinh tế.

Xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) là một trong những vùng trồng chè lớn của Thủ đô. Trước kia, chè của Hòa Thạch đã từng xuất khẩu tới các nước Đông Âu, song do nhiều nguyên nhân, diện tích chè ở đây bị giảm dần và người dân không còn mặn mà với loại cây trồng chủ lực này.

Để tận dụng những tiềm năng, thế mạnh vốn có cùng với sự xúc tiến của UBND xã Hòa Thạch, và UBND huyện Quốc Oai, năm 2012, công tác khôi phục, cải tạo diện tích chè cũ được tiến hành.

Năm 2016, mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu định hình, từng bước trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các công ty sản xuất chế biến chè.

Đáng chú sy, thông qua việc đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, có tính an toàn và ít độc hại thì số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè ở xã Hòa Thạch cũng được chú trọng giảm thiểu tối đa.

Mô hình trồng chè theo quy trình VietGAP tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đang từng bước phát huy được hiệu quả kinh tế. Ảnh: Đinh Luyện

Nằm ở vị trí xa nhất của thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì được biết đến là vùng đất còn nhiều khó khăn với địa hình chủ yếu là đồi núi. Trước khi sát nhập về Thủ đô, Ba Vì trong tiềm thức của nhiều người là con đường sỏi đá, dốc đồi quanh co, sỏi đá vô cùng khó đi, những ngôi nhà lụp xụp nằm im lìm phía dưới chân núi, hệ thống điện, đường, trường, trạm còn nhiều hạn chế, cuộc sống của người dân thiếu thốn trăm bề.

Tuy nhiên, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự “tiếp sức” của các cấp, ngành người dân huyện Ba Vì đã và đang từng ngày nỗ lực, vươn lên thoát nghèo. Làng chè xã Ba Trại là ví dụ.

Tại đây, cây chè dần dần làm thay đổi diện mạo Ba Trại, đưa địa phương trở thành một vùng nông thôn mới, người dân đoàn kết phát triển kinh tế. Dễ thấy nhất, hiện các con đường vào làng của xã đều được bê tông hóa đan xen cùng những dãy nhà cao tầng, điển hình cho một môi trường nông thôn trong sạch, yên bình.

Nhờ cây chè, nhiều hộ dân nơi đây đã có “của ăn, của để”, một số gia đình mở rộng quy mô trồng và chế biến, không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, tăng 3,550 nghìn đồng/người/năm so với năm 2017.

Dẫn chúng tôi qua những nương chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại (HTX Ba Trại) Bùi Ngọc Kiên cho biết: Từ năm 2017, HTX Ba Trại bắt đầu triển khai phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đến nay đã có rất nhiều lượt khách đến đây.

Các đoàn khách sẽ có cơ hội được hướng dẫn viên là các xã viên của HTX trực tiếp giới thiệu về làng nghề chè. Đoàn sẽ đi thăm và trải nghiệm thực tế các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà, đặc biệt, khách sẽ được nghe các làn điệu dân ca, xem những bộ trang phục độc đáo của người Mường.

Trong xã, 80% lao động địa phương tham gia trồng, sản xuất chè. Cây chè hiện đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

Không chỉ có Ba Trại, cây chè cũng đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Trước đây, các hộ trồng chè canh tác theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng chưa cao; khâu tiêu thụ ở dạng thô nên giá thành rất thấp.

Để tăng giá trị cho cây chè, năm 2012, Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp Bắc Sơn được thành lập nhằm liên kết nông dân xây dựng mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thành công nhãn hiệu “Chè Bắc Sơn”. Đến nay, hợp tác xã có 100 hộ nông dân với 30ha chè trồng theo quy trình an toàn và 10ha chè VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao.

Rõ ràng, xù xuất phát điểm khác nhau song ở các vùng thuộc Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn như đã nêu đều có điểm chung là sự đổi thay kinh tế của người dân đều dựa vào cây chè. Ở các vùng chè này, thời gian tới, để tiếp tục phát triển quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì rất cần những nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác tiến hành các hoạt động xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất chè theo quy trình VietGAP. Chỉ khi không ngừng trau dồi khoa học kỹ thuật với bí quyết hái chè, chế biến, sao, bảo quản, lấy hương… mới có thể tạo ra những sản phẩm chè độc đáo, thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu ra của cây chè mới được ổn định.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-gia-tri-doi-doi-nho-cay-che-94618.html