Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp

Một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả rừng nguyên liệu là quản lý hoạt động sản xuất giống cây trồng đã và đang được ngành chức năng chú trọng thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng, tỉnh Bắc Kạn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo về cơ cấu giống cây trồng rừng. Theo đó, lựa chọn trồng các loài cây phù hợp điều kiện địa lý của từng địa phương, trong đó ưu tiên trồng cây gỗ lớn đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng cường đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng. Cụ thể, trồng rừng sản xuất tập trung chủ yếu trồng cây mỡ, keo tai tượng, thông…; đối với trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, trồng rừng phân tán tập trung trồng các loài cây có giá trị kinh tế cao như lát, tông dù, hồi, quế, trám, sấu, dổi xanh...

Hoạt động sản xuất cây giống tại Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Mạnh Minh (TP. Bắc Kạn).

Để quản lý và kiểm soát tốt chất lượng nguồn giống phục vụ kế hoạch trồng rừng, Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm. Theo đó, phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện đầy đủ việc đăng ký giấy phép kinh doanh đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Điều 36, Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các vườn gieo ươm, quản lý chặt chẽ hồ sơ nguồn giống trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền các chủ vườn ươm không có giấy phép đăng ký kinh doanh đối với mặt hàng là giống cây trồng lâm nghiệp và không cung cấp đầy đủ hồ sơ nguồn giống.

Qua quá trình làm việc và kiểm tra, các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Một số cơ sở có hạ tầng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hệ thống tưới tự động, nhà kho, bể chứa nước, điện, máy bơm đảm bảo như: Vườn ươm Vân Tùng (Ngân Sơn); Vườn ươm Nà Phẩn (Pác Nặm); Xí nghiệp Giống và tư vấn Lâm nghiệp Nông Thịnh (Chợ Mới); Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Mạnh Minh (TP.Bắc Kạn).

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất gieo ươm khá thô sơ, chủ yếu sử dụng lao động thủ công từ tưới tiêu, bón phân…, nhiều chủ vườn ươm chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc lô hạt giống, lô cây giống của các loài cây trồng lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh tại vườn ươm như: Bảng kê vật liệu giống, phiếu xuất kho, hóa đơn bán hàng... Các cơ sở nêu trên chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình mang tính tự phát, chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định gây ra rất nhiều nguy cơ về giống kém chất lượng, ảnh hưởng tới chất lượng gỗ, tỷ lệ sinh khối thấp, giá bán sẽ thấp so với cây trồng có giống tốt cùng thời kỳ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp đã nhắc nhở, định hướng các vườn ươm cung ứng giống phải đáp ứng được yêu cầu về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính và đảm bảo đầy đủ hồ sơ nguồn gốc cây theo quy định. Yêu cầu các hộ sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp nhỏ lẻ phải có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành theo dõi, giám sát chỉ đạo sản xuất, hệ thống cấp thoát nước tưới, giàn che nắng cho vườn cây…

Nhìn chung, công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng được quản lý khá chặt chẽ, số lượng cây giống đáp ứng mùa vụ và kế hoạch trồng rừng. Hệ thống vườn ươm cố định và các vườn ươm tự phát cung cấp cây giống các loại lên tới hơn 10 triệu cây/năm cho kế hoạch trồng rừng của tỉnh; chất lượng giống từng bước được cải thiện, nâng cao tỷ lệ thành rừng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng.

Bên cạnh đó, mặc dù diện tích rừng trồng hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, nhưng chất lượng, trữ lượng, năng suất, giá trị kinh tế của rừng trồng chưa cao. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp còn hạn chế; kết cấu hạ tầng phát triển lâm nghiệp còn thiếu và yếu. Tình trạng sản xuất và sử dụng cây giống từ nguồn vật liệu không đảm bảo chất lượng vẫn còn; kỹ thuật sản xuất cây giống còn đơn giản, chưa ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng cây giống…

Tỉnh ta đã xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn, nên rất cần đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao để cung cấp nguồn giống chất lượng cho trồng rừng sản xuất; đưa công nghệ nuôi cấy mô ứng dụng vào thực tế sản xuất ngành lâm nghiệp tại địa phương. Đồng thời, bổ sung chế tài xử lý nghiêm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đủ điều kiện theo quy định, nhằm hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững, ổn định./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/nang-cao-chat-luong-giong-cay-trong-lam-nghiep-52e4679/