Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu, định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, công tác quy hoạch và phát triển đô thị đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Phối cảnh tổng thể ý tưởng chỉnh trang, phát triển đô thị xung quanh hồ Đầm Vạc (Vĩnh Yên).

Phối cảnh tổng thể ý tưởng chỉnh trang, phát triển đô thị xung quanh hồ Đầm Vạc (Vĩnh Yên).

Xác định công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng và phải đi trước một bước, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các địa phương, tạo động lực cho phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90%.

Đối với phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 49%, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều gồm 34 đô thị, trong đó thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và 32 đô thị loại V. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Việc phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 79 dự án nhà ở, dự án khu đô thị, với tổng diện tích đất gần 2.400ha, trong đó, diện tích đất ở chiếm trên 1.100 ha, dự kiến sau khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng được chỗ ở cho gần 260 nghìn người.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Một góc phối cảnh xây dựng công viên ánh sáng tại hồ Đầm Vạc (Vĩnh Yên).

Một góc phối cảnh xây dựng công viên ánh sáng tại hồ Đầm Vạc (Vĩnh Yên).

Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng đơn vị tư vấn lập quy hoạch, khuyến khích việc lựa chọn tư vấn thông qua hình thức thi tuyển và sử dụng ý tưởng quy hoạch của các đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm chuyên sâu.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cấp độ quy hoạch theo hệ thống quy hoạch; rà soát điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực các quy hoạch chồng chéo, hết hiệu lực, điều chỉnh đảm bảo sự đồng bộ, tăng sức hút cho môi trường đầu tư của tỉnh.

Triển khai quy hoạch, phát triển các dự án đô thị trên cơ sở nghiên cứu, khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; phát triển các dự án có trọng tâm, điểm nhấn đột phá, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên các khu vực có tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên như Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo để phát triển các sản phẩm bất động sản chủ đạo, mũi nhọn, là loại hình nhà ở sinh thái, nghỉ dưỡng, tăng sức cạnh tranh với các địa phương trong vùng, thu hút và thúc đẩy gia tăng dân số cơ học cho tỉnh.

Rà soát, đề xuất thu hồi, chấm dứt đối với các dự án khu đô thị, nhà ở đã có chủ trương nhưng không thể triển khai hoặc chậm triển khai, chậm tiến độ; làm cơ sở thu hút nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện, hoặc dừng triển khai, tập trung vào các khu vực, dự án trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị, nhà ở để hình thành các sản phẩm bất động sản chủ đạo, mũi nhọn của tỉnh.

Tăng cường công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị hiện hữu; ưu tiên thực hiện cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh các hồ, đầm trong vùng lõi đô thị; bổ sung không gian cây xanh, mặt nước; tăng cường các chức năng hoạt động như bãi đỗ xe tĩnh, không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ…

Cùng với đó, triển khai lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hướng sắp xếp thứ tự tính khả thi, ưu tiên thực hiện, tập trung triển khai dự án tại các khu vực trung tâm đô thị như thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên; khu vực tập trung các khu công nghiệp nhưng chưa có dự án nhà ở xã hội như các huyện Tam Dương, Lập Thạch và Sông Lô… đảm bảo phát triển hài hòa không gian đô thị theo hướng đô thị xanh thông minh, đồng bộ, hiện đại, đáng sống.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122103//nang-cao-chat-luong-cong-tac-quy-hoach