Nam Ðịnh quyết tâm thực hiện mục tiêu kép

Năm 2020, trong điều kiện đại dịch Covid-19 tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, nhưng tỉnh Nam Ðịnh vẫn giữ được ổn định và phát triển so cùng kỳ. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá. GRDP ước tăng gần 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng hơn 16%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 5.700 tỷ đồng.

Nước mắm Ninh Cơ của Công ty cổ phần chế biến hải sản Nam Ðịnh, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) được công nhận là sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: Anh Ðức

Năm 2020, trong điều kiện đại dịch Covid-19 tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, nhưng tỉnh Nam Ðịnh vẫn giữ được ổn định và phát triển so cùng kỳ. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá. GRDP ước tăng gần 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng hơn 16%; giá trị hàng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt 5.700 tỷ đồng.

Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh phấn đấu sẽ tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 73%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, giai đoạn 2016 - 2020) dưới 0,7%; sẽ có thêm từ 10 đến 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch đồng thời tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai, đê điều, môi trường nông thôn... Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng hiệu quả chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo nguồn thu cho địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân...

* Tỉnh Tiền Giang có diện tích tự nhiên 251.600 ha; trong đó có 179.843 ha đất nông nghiệp, chiếm 71,63% tổng diện tích đất tự nhiên. Ðịa phương đã hình thành vùng trồng lúa năng suất cao, vùng trồng cây ăn quả, rau màu... Ðể nâng cao giá trị nông sản, tỉnh chỉ đạo tăng cường thành lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực. Hiện, toàn tỉnh đã có 93 mô hình liên kết hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tỷ lệ các hộ tham gia còn thấp; liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp, nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo; khối lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua chuỗi chưa lớn; thu nhập và bảo đảm đầu ra cho nông sản vẫn còn bấp bênh,…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia. Ðồng thời phát huy vai trò hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi liên kết như: tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ quản trị hợp tác xã, định hướng sản xuất theo tiêu chí GAP… Tỉnh cũng tập trung xây dựng các mô hình mẫu về chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản gắn với an toàn thực phẩm; tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nam-inh-quyet-tam-thuc-hien-muc-tieu-kep-628847/