Năm 2023 có thể tiếp tục là một 'cơn ác mộng' đối với các nhà đầu tư

Nhận định về bức tranh toàn cảnh của thị trường đầu tư năm 2023, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng sau cơn ác mộng năm 2022, các nhà đầu tư sẽ phải tìm cách bù đắp lỗ.

Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Phân bổ lại tài sản như thế nào để hoạt động tốt? Những ngành công nghiệp nào nên ưu tiên hoặc tránh? Các biến động kinh tế sẽ diễn biến như thế nào?

Các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp phải vắt óc suy nghĩ để tìm cách ngăn những khách hàng đang lo lắng của họ tháo chạy… Nhưng có một câu hỏi vượt lên trên tất cả - và đó là câu hỏi không có câu trả lời chính xác, luôn treo lơ lửng trong mọi cuộc khủng hoảng: Liệu điều tồi tệ nhất đã ở đằng sau chúng ta hay chưa? Để trả lời những câu hỏi này, các chuyên gia kinh tế đang đưa ra cả tin tốt và tin xấu.

* Tin tốt cho chứng khoán: Suy thoái thực sự sẽ diễn ra

Về mặt kinh tế, câu trả lời rất rõ ràng. Năm nay sẽ là một năm đen tối. Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo vào ngày đầu năm rằng khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Sự suy giảm có lẽ đã bắt đầu ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Vương quốc Anh. Trong một cuộc thăm dò gần đây của các chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học Chicago và tờ The Financial Times, 85% cho rằng nước Mỹ sẽ theo sau vào cuối năm nay.

Nhưng ngay cả trong tình huống này thì tình hình cũng không quá đen tối, thậm chí là ngược lại. Thế giới đã phải đối mặt với nỗi lo suy thoái kinh tế trong phần lớn thời gian của năm 2022, giờ đây thị trường đang hướng tới tương lai.

Hiện đang có một sự đồng thuận lớn về xu hướng thị trường giá cả. Các nhà phân tích tại JPMorgan Asset Management cho rằng giá cổ phiếu khi kết thúc năm 2023 sẽ cao hơn so với đầu năm.

Họ không phải là những người duy nhất lạc quan. Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cũng tin rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Các chuyên gia tại Deutsche Bank còn lạc quan hơn khi họ ước tính rằng chỉ số S&P 500 của các công ty lớn của Mỹ sẽ tăng 17% vào cuối năm nay.

Theo lý giải của các nhà phân tích, thông thường rất hiếm khi giá cổ phiếu giảm hai năm liên tiếp. Nếu năm 2022, giá cổ phiếu và trái phiếu đã sụt giảm nặng nề, thì năm 2023 giá các loại phiếu này sẽ tăng. Nếu không phải như vậy thì đó sẽ là một điều bất thường.

Lần cuối cùng chỉ số S&P 500 trải qua điều không bình thường như vậy là 20 năm trước khi bong bóng Internet bị vỡ. Sự rớt giá thảm hại của các thị trường trong năm ngoái là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, điều này khó xảy ra lần nữa.

* Tin xấu: Cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng vẫn được định giá quá đắt

Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng khó khăn sẽ còn tiếp tục. Trước tiên là cổ phiếu, so với thu nhập cơ bản của chúng thì vẫn là đắt nếu xét về mặt lịch sử giá giao dịch. Bất chấp sự sụt giảm của năm ngoái, tỷ lệ giá trên thu nhập của các cổ phiếu "tăng trưởng" - cổ phiếu của các công ty kỳ vọng có lợi nhuận lớn trong tương lai - mới chỉ giảm trở lại mức của năm 2019.

Đây vẫn là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, mức đạt được sau 10 năm thị trường tăng giá. Các cổ phiếu giá trị - cổ phiếu có định giá thấp so với giá trị tài sản sổ sách của công ty - có vẻ hấp dẫn hơn. Nhưng khi suy thoái bắt đầu, cả hai loại cổ phiếu này đều dễ bị ảnh hưởng, dẫn tới giảm thu nhập.

Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương chấm dứt việc nới lỏng định lượng là tin tốt cho trái phiếu nhưng lại ít tốt hơn cho cổ phiếu.

Bên cạnh đó, mức định giá hiện tại là mức giá đạt được trong một giai đoạn bất thường: Khi các ngân hàng trung ương bơm tiền vào thị trường thông qua nới lỏng định lượng. Bằng cách mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới in, Fed và các ngân hàng khác đã đẩy lợi suất xuống thấp và khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức từ các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như cổ phiếu.

Hiện nay, các chương trình nới lỏng định lượng này đang chững lại. Hệ quả là các chính phủ sẽ dựa nhiều hơn vào các nhà đầu tư tư nhân để giữ khoản nợ của họ. Trong năm tài chính 2022-2023, Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ cần vay gần gấp đôi từ các nhà đầu tư so với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 và gấp bốn lần so với mức trung bình của 5 năm trước đó.

Ngay cả khi các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất ngắn hạn, tình trạng dư thừa này có thể làm giảm giá trái phiếu và tăng lợi suất. Cũng giống như năm 2022, cổ phiếu do đó sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.

* Đặt cược theo lãi suất cơ bản của Fed

Lý do cuối cùng cho tình trạng ảm đạm là quan điểm khác biệt giữa các nhà kinh tế và nhà đầu tư. Mặc dù các nhà kinh tế cá cược rằng sẽ có một cuộc suy thoái, nhưng nhiều người vẫn hy vọng có thể tránh được nó. Thị trường đang kỳ vọng lãi suất cơ bản của Fed sẽ đạt đỉnh dưới 5% trong nửa đầu năm nay, trước khi giảm xuống. Các thống đốc ngân hàng trung ương lại không cho rằng như vậy. Họ dự đoán lãi suất khi kết thúc năm 2023 sẽ trên 5%.

Vì vậy, các nhà đầu tư nhận định rằng hoặc lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu ban đầu nhanh hơn dự kiến của Fed, hoặc những người bảo vệ đồng tiền máu lạnh sẽ thẳng tay áp đặt các biệp pháp cứng rắn để hạ nó xuống.

Tất nhiên có khả năng họ sẽ đúng. Nhưng năm 2022, thị trường đã mất phần lớn thời gian để trở lại trạng thái cũ sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell họp lên họp xuống. Nếu mô hình này lặp lại, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khốn đốn nữa đối với các nhà đầu tư./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-2023-co-the-tiep-tuc-la-mot-con-ac-mong-doi-voi-cac-nha-dau-tu/280767.html