Năm 2020: Một năm 'tiếc nuối' của ngoại giao Nhật Bản?

Theo báo Sankei, hoạt động ngoại giao của Nhật Bản trong năm 2020 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của dịch Covid-19, đặc biệt là quan hệ Trung-Nhật khi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Tokyo dự kiến vào mùa Xuân năm 2020 bị hoãn.

Quan hệ Trung-Nhật có những khoảng lặng trong năm 2020. (Nguồn: Reuters)

Đầu năm 2020, Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã đăng tải thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo trên trang web của mình như sau: “Vào thời khắc hoa anh đào nở của tiết trời Xuân, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm Nhật Bản với tư cách quốc khách. Cùng với những sự kiện như Thế vận hội diễn ra vào mùa Hè, tôi rất mong chờ sẽ có nhiều người Trung Quốc đến thăm Nhật Bản hơn nữa”.

Khoảng lặng của quan hệ Trung-Nhật

Có thể thấy, trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Nhật Bản đã kỳ vọng và chuẩn bị chu đáo cho kịch bản thuận lợi trong năm 2020 với rất nhiều sự kiện, tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như mong đợi.

Ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phát đi thông báo khuyến cáo công dân Nhật Bản không đến tỉnh Hồ Bắc - nơi được cho là điểm khởi đầu của dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán.

Sau đó 2 ngày, Thủ tướng Abe phát biểu rằng “phải tìm mọi cách để đưa tất cả người dân Nhật Bản đang sống tại Vũ Hán có nguyện vọng được trở về nước”.

Trong cuộc điện đàm ngày 26/1 với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã đề nghị Trung Quốc hợp tác.

Sau đó, ngày 29/1, chuyến bay đầu tiên đưa công dân Nhật Bản từ Vũ Hán đã hạ cánh xuống sân bay Haneda. Đã có khoảng 720 công dân Nhật Bản về nước trên 5 chuyến bay thuê bao của Chính phủ Nhật Bản.

Tiếp đó, mặc dù chính phủ Nhật Bản đã cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ thành phố Vũ Hán và một số tỉnh của Trung Quốc, song quyết định cấm nhập cảnh đối với công dân của các nước trên thế giới chỉ được đưa ra ngày 5/3.

So với một số nước đã đưa ra biện pháp ứng phó từ sớm, phản ứng này của chính phủ Nhật Bản bị đánh giá là quá chậm chạp.

Cũng thời điểm đó, chính phủ Nhật Bản thông báo lùi thời điểm tổ chức chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, và lúc này các đảng đối lập đã chỉ trích mạnh mẽ rằng "Chính phủ đã trì hoãn đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới là do những cân nhắc đối với Trung Quốc".

Thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bài phát biểu ngày 26/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide - người lên nắm quyền sau khi ông Abe từ chức vì lý do sức khỏe - đã tuyên bố liên kết với các nước cùng chia sẻ những giá trị cơ bản và đặt mục tiêu hiện thực hóa Tầm nhìn “Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ý tưởng "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" được cựu Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra năm 2007 và được cho là nhằm đối phó với một Trung Quốc đang cố gắng thay đổi trật tự quốc tế.

Thủ tướng đương nhiệm Suga cũng bày tỏ ý định thúc đẩy sáng kiến này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia, cũng như tại cuộc gặp với Thủ tướng Australia Scott Morrison vào tháng 11/2020.

Do sự bùng phát của dịch Covid-19, các hội nghị ngoại giao quốc tế liên tục bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Một nhân vật trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thừa nhận rằng “hoạt động đối ngoại của Nhật Bản đã bị hạn chế rất nhiều do dịch bệnh".

Về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chính phủ Nhật Bản hiện vẫn giữ quan điểm rằng giờ không phải là thời điểm bàn về lịch trình chuyến thăm này.

Mặc dù Nhật Bản và Trung Quốc có sự gắn bó về kinh tế, song trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu căng thẳng, tàu công vụ Trung Quốc vẫn tiếp tục đi vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cách tiếp cận của chính phủ Nhật Bản đối với Trung Quốc có thể gửi đi thông điệp đến cộng đồng quốc tế và trong nước về chính sách ngoại giao của Tokyo.

(theo Sankei)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-2020-mot-nam-buon-cua-ngoai-giao-nhat-ban-132682.html