Năm 2019, bước đột phá trong thực hiện công tác dân tộc

Năm 2019, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, tham mưu, đề xuất giúp Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng mang tính đột phá, mở ra tầm nhìn, giải pháp mới trong vấn đề xây dựng và thực hiện công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chia sẻ những thành tựu quan trọng của công tác dân tộc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của UBDT. Ảnh: Bình Minh

Một năm hoạt động hiệu quả, ấn tượng

Năm 2019, UBDT đã tổng hợp, xây dựng gần 170 báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất, cung cấp thông tin các lĩnh vực có liên quan đến công tác dân tộc, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những giải pháp chỉ đạo kịp thời công tác dân tộc. Trong đó, có một số báo cáo có ý nghĩa quan trọng như: Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2012-2018; Báo cáo giải trình về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2018...

Đặc biệt, UBDT đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. UBDT cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Đây là 2 văn bản quan trọng mang tính đột phá, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới.

Đánh giá về hoạt động của UBDT, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT nhận định: “Trong năm 2019, với chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, lãnh đạo UBDT đã tiếp tục chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc với phương châm sâu sát, bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả”.

“Nhìn chung, các vụ, đơn vị đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo của lãnh đạo UBDT. Sự phối hợp giữa các đơn vị ngày càng chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm với công việc ngày càng được nâng cao” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thông tin thêm.

Sự quyết liệt, đồng bộ trong thực hiện nhiều giải pháp của cả hệ thống chính trị, trong đó, UBDT đã góp phần đưa kinh tế-xã hội vùng DTTS và MN phát triển và tăng trưởng ổn định; hộ nghèo địa bàn vùng DTTS đã giảm 2 đến 3%, các xã đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư mới. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của UBDT cho thấy, trong năm 2019, Chương trình 135 đã bố trí đầu tư cho các địa phương 2.880 công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, y tế, nước sinh hoạt, trường học..., đạt 100% kế hoạch đề ra. Ngoài ra, tiểu dự án 2 của chương trình cũng đã hỗ trợ 115.000 hộ gia đình về vấn đề phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền về phổ biến, giáo dục pháp luật, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, hỗ trợ bình đẳng giới, bồi dưỡng kiến thức DTTS; đề án cấp phát một số ấn phẩm báo, tạp chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều được triển khai có hiệu quả...

Tiếp đà thắng lợi của năm 2019

Được biết, trong năm 2020, UBDT xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Dân tộc, báo cáo Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II và lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và MN nhằm xác định rõ tỉnh, huyện, xã thuộc vùng DTTS và MN và xã, thôn đặc biệt khó khăn, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng DTTS và MN, không để xảy ra các điểm “nóng”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học về công tác dân tộc; công tác tiếp công dân; thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện các chính sách dân tộc....

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao rõ rệt trong năm 2019. Ảnh: Bình Minh

Đặc biệt, UBDT sẽ tập trung “chạy đua” với thời gian, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), thực hiện từ năm 2021.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải chia sẻ, để hoàn thành khối lượng công việc nặng nề trên, UBDT sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và hoạt động công vụ. Ngoài ra, chú trọng phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng các đề án, chính sách, bố trí và phân bổ nguồn lực, kiểm tra, sơ, tổng kết các chính sách.

“Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tăng cường các đoàn công tác đi cơ sở để kiểm tra tình hình chính sách dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện” - Thứ trưởng Lê Sơn Hải thông tin.

Được biết, để thực hiện tốt công tác dân tộc trong năm 2020, UBDT đã có 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ tập trung vào các vấn đề như: Bố trí đủ và đồng bộ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của chính sách; đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung, tích hợp chính sách dân tộc để tránh chồng chéo và tản mạn chính sách; đề nghị tiếp cận thêm các nguồn ODA và nguồn xã hội hóa để tăng nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nam-2019-buoc-dot-pha-trong-thuc-hien-cong-tac-dan-toc/