Năm 2018, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 44,4%

'Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 44,4%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 50%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận vượt 7,9%, kháng nghị giám đốc thẩm vượt 6,4% so với chỉ tiêu của Quốc hội', Viện trưởng VKSND TC nói.

Sáng 13-11, Quốc hội đã Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017, trong đó đáng chú ý: tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%.

Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đều giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ nguy hiểm của phạm tội cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng.

“Hoạt động của các cơ quan tư pháp cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tội phạm khởi tố mới trong lĩnh vực này tăng 39,3% số vụ)”, Viện trưởng VKSND TC cho biết.

Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, tính chất phức tạp hơn; có những vấn đề xung đột lợi ích xã hội phát sinh mà chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp trong quản lý, xử lý.

Viện trưởng VLSND TC Lê Minh Trí cho biết năm 2018 số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 44,4% (ảnh: QH)

Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Thông qua đó, đã ban hành 4.600 yêu cầu xác minh giải quyết tố giác, tin báo, hơn 68.000 yêu cầu điều tra, chiếm tỷ lệ 94,2% số vụ án mới khởi tố; trực tiếp lấy lời khai hơn 16.000 người bị bắt, tạm giữ (tăng 28,5%) và tiến hành một số hoạt động điều tra đối với gần 37.000 vụ;...

Tỷ lệ số người bị bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 97,54% (tăng 0,2%); tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra giảm 1,2%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99%, vượt 4,99% chỉ tiêu của Quốc hội;

“Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 44,4%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 50%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận vượt 7,9%, kháng nghị giám đốc thẩm vượt 6,4% so với chỉ tiêu của Quốc hội”, Viện trưởng VLSND TC nói.

Công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có chuyển biến rõ nét về chất.

Cụ thể, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 03 vụ án “Dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%.

“Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 01 tỷ đồng. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.

Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2018, ngành Kiểm sát còn để xảy ra một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự, sau phải trả tự do; một số trường hợp đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn cao; còn để xảy ra một số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội (tuy nhiên Viện kiểm sát đã kháng nghị theo hướng có tội và đã được Tòa án chấp nhận 50%, số còn lại đang xem xét); số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa giải quyết còn nhiều, tỷ lệ giải quyết chưa đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Từ kết quả công tác năm 2018, Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự và các nghị quyết của Quốc hội. Đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp; tạo cơ chế pháp luật mạnh hơn trong thu hồi tài sản cho Nhà nước thông qua các biện pháp tố tụng đặc biệt.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-2018-so-bi-can-phai-dinh-chi-do-khong-pham-toi-giam-444-127266.html