Mỹ thử thành công tên lửa đánh chặn nhưng hiệu quả phòng thủ vẫn gây nhiều tranh cãi

Mỹ đã vừa thử nghiệm thành công khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa phóng từ mặt đất (Ground-based Midcourse Defense hay GMD) trước tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo thông báo chính thức từ Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA) thì một tên lửa đánh chặn được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, nam California đã phá hủy thành công một mục tiêu giả được phóng từ quần đảo Marshall. Tuy nhiên, tính hiệu quả của hệ thống này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Video chính thức từ MDA về toàn bộ thử nghiệm.

Thử nghiệm nói trên rất có ý nghĩa đối với Hoa Kỳ trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng vươn đến Mỹ. Hệ thống lá chắn GMD bao gồm các cảm biến được đặt tại nhiều nơi trên thế giới, trên biển và cả vệ tinh trong không gian. Chúng sẽ hoạt động phối hợp với nhau để phát hiện khi một tên lửa được phóng đi và dõi theo đường bay của nó. Sau đó các trung tâm điều khiển tại Mỹ có thể sử dụng thông tin này để định hướng cho một tên lửa đánh chặn can thiệp ngay khi mục tiêu vẫn đang ở ngoài không gian nhằm giảm thiểu tối đa tầm ảnh hưởng của các mảnh vỡ đối với con người.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa sau khi rời khí quyển Trái Đất, nó sẽ đi vào giai đoạn dài nhất của hành trình, còn gọi là giai đoạn giữa. Vào lúc này tên lửa sẽ phân tách thành đầu đạn, các mảnh vỡ, bẫy mồi với mục tiêu làm nhiễu khả năng phát hiện và theo dõi của các cảm biến hiện đang được Mỹ triển khai ở Nhật và trên tàu chiến Mỹ. Với thông tin về đường bay của đầu đạn, các trung tâm điều khiển đặt tại Alaska và Colorado có thể nhanh chóng xác định vị trí và tính toán địa điểm đánh chặn. Sau đó, lệnh đánh chặn được thông báo cho hệ thống tên lửa GMD đặt tại căn cứ không quân Vandenberg ở California hoặc Fort Greely ở Alaska.

Phương tiện tìm diệt trong tên lửa đánh chặn GMD.

Mỗi hệ thống GMD có 36 tên lửa đánh chặn đặt trong các họng phóng ngầm. Mỗi tên lửa mang theo một "phương tiện tìm diệt" trên một tên lửa đẩy 3 tầng. Phương tiện tìm diệt này có hình thù "giống như một chiếc kính thiên văn có gắn jetpack" theo miêu tả của chuyên gia phòng thủ tên lửa Tom Karako. Tên lửa đánh chặn cũng sẽ được phóng ra ngoài khí quyển và khi nó rời khí quyển, bước vào không gian thì phương tiện tìm diệt và tên lửa đẩy sẽ phân tách. Bằng các cảm biến hồng ngoại, phương tiện sẽ tìm đầu đạn và nó đuổi theo đầu đạn bằng cách kích hoạt các động cơ đẩy tích hợp. Khi 2 vật thể này va chạm, phương tiện tìm diệt sẽ phá hủy đầu đạn mà không gây ra một vụ nổ hạt nhân, đó là trên lý thuyết.

Thế nhưng trên thực tế, chỉ 10 trong số 18 thử nghiệm đánh chặn được thực hiện thành công, kể cả thử nghiệm gần đây nhất. Từ khi được thử nghiệm từ năm 1999 đến nay, hệ thống này luôn khiến giới chuyên môn hoài nghi về năng lực. Chẳng hạn như một thử nghiệm năm 2006 cho thấy tên lửa đánh chặn đã va chạm với mục tiêu nhưng không thể phả hủy nó. Một thử nghiệm khác hồi tháng 1 năm 2016 vẫn được xem là thành công mặc dù không đánh trúng đầu đạn giả định. Tên lửa đánh chặn trên thực tế đã "gặp trục trặc ở hệ thống đẩy khiến nó bay ra khỏi quỹ đạo", Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đưa ra lập luận. Vậy rốt cuộc, việc phá hủy mục tiêu không phải là một phần của mục tiêu thử nghiệm?

Do đó, mặc dù MDA công bố thử nghiệm mới nhất của hệ thống GMD đã thành công nhưng sự thành công này cần phải được lưu ý, thành công ở khía cạnh nào? Cơ quan này vẫn đang đánh giá các kết quả và thử nghiệm nói trên có thể xem là một bước tiến củng cố cho năng lực đánh chặn của hệ thống GMD nhằm bảo vệ nước Mỹ trước khả năng tấn công của các loại tên lửa đạn đọa liên lục địa với quy mô nhỏ - thứ mà Triều Tiên có thể sẽ phóng trong tương lai. Còn với quy mô lớn hơn? Cả Bắc Hàn lẫn Mỹ vẫn chưa sẵn sàng. Trong tình huống sẽ cần đến nhiều tên lửa đánh chặn để phá hủy đầu đạn thì GMD cần phải được thử nghiệm khả năng này và phải đến cuối năm nay hoặc sang năm 2018 thì thử nghiệm phóng thử đồng loạt nhiều tên lửa đánh chặn mới được thực hiện theo tiết lộ của Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ (GAO).

Theo: The Verge

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/my-thu-thanh-cong-ten-lua-danh-chan-nhung-hieu-qua-phong-thu-van-gay-nhieu-tranh-cai.2701480/