Mỹ tăng nguồn lực đối phó với Trung Quốc

Mỹ liên tục giảm đáng kể số quân ở các khu vực khác để dồn nguồn lực cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước này cũng tìm cách hình thành mặt trận chung chống Trung Quốc.

Trang Politico dẫn hai nguồn thạo tin ngày 15-6 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang dự kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực tại Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc (TQ). Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng sẽ vạch một chiến lược quân sự cho khu vực này nhằm tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng Mỹ phân bổ nguồn lực xử lý vấn đề TQ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông hôm 15-6. Ảnh: REUTERS

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông hôm 15-6. Ảnh: REUTERS

Hiện các sáng kiến này vẫn đang trong giai đoạn bàn luận, chưa có quyết định thống nhất cuối cùng. “Chúng tôi đang xem xét một số đề xuất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ở Bộ Quốc phòng để đồng bộ hóa và điều phối tốt hơn các hoạt động của mình” - một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên chia sẻ.

Trước đó, cùng ngày, hải quân Mỹ cũng ra thông báo cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông. Thông báo nêu rõ đợt điều tàu lần này là nhằm tiếp tục duy trì hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhóm tàu USS Ronald Reagan thời gian tới sẽ tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, gồm các hoạt động diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị hải quân và không quân.

Mỹ chuyển trọng tâm quân sự từ tây sang đông

Có thể thấy các động thái nói trên của Mỹ là biểu hiện mới nhất của việc cường quốc này ngày càng dành nhiều sự chú ý hơn cho châu Á nói chung và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng trong bối cảnh TQ không ngừng gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực này.

Theo tờ The Nikkei, trên thực tế đây không phải là thay đổi mới đây mà là một quá trình diễn ra trong thời gian khá dài. Trong 20 năm qua, Lầu Năm Góc có xu hướng triển khai nhiều binh sĩ ở Đông Á và Thái Bình Dương hơn ở châu Âu và Trung Đông. Các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở nước ngoài cũng đã đi đến một bước ngoặt khi Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4 quyết định sẽ rút tất cả binh sĩ Mỹ từ Afghanistan về nước trước tháng 9 - điều mà nhiều đời tổng thống trước chưa ai làm được.

Nhìn vào số liệu thống kê, The Nikkei dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy sự chuyển dịch từ tây sang đông còn rõ ràng hơn hẳn. Năm 2000, Mỹ có 69.000 binh sĩ ở Đức, nhiều nhất trên thế giới. Sau các vụ tấn công khủng bố vào Mỹ tháng 9-2001, nước này đã chuyển hướng tập trung vào Trung Đông, triển khai cùng lúc hơn 100.000 quân đến Afghanistan và Iraq.

Đến năm 2013, tổng thống Mỹ bấy giờ là ông Barack Obama tuyên bố Mỹ không còn là “cảnh sát toàn cầu” nữa và kể từ đó đến năm 2020, Lầu Năm Góc đã cắt giảm số binh sĩ ở nước ngoài xuống còn khoảng 50% lực lượng trước đó. Dù vậy, họ vẫn duy trì được sự hiện diện mạnh mẽ tại các nước đồng minh Đông Á là Nhật và Hàn Quốc và đến năm 2021 thì mở rộng triển khai lực lượng thường trực ở Đông Nam Á và các vùng biển xung quanh khu vực này.

Ngoài Mỹ, các quốc gia mới nổi và những quốc gia gần TQ trong khu vực thời gian qua cũng nỗ lực tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình. Trong vòng 30 năm, Indonesia tăng quy mô các lực lượng vũ trang lên 40%, còn Philippines tăng 30%. Ấn Độ, nước có tranh chấp biên giới nghiêm trọng với TQ cũng tăng quy mô lực lượng lên 15%. Cán cân quân sự của châu Á qua đó đã có sự thay đổi đáng kể.

Tận dụng hệ thống đồng minh, đối tác

Phát biểu trong sự kiện trực tuyến do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức hồi tuần trước, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell khẳng định lợi ích của các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ lâu đã gắn kết với Mỹ cả về mặt lịch sử lẫn chiến lược. Do đó, Nhà Trắng trong thời gian tới sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để xây dựng mặt trận thống nhất, củng cố an ninh và sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu trước mắt là giải quyết thách thức đe dọa an ninh và kinh tế đối với người dân khu vực này, bao gồm đẩy mạnh viện trợ vaccine ngừa COVID-19, cải thiện khả năng hồi phục trước tình trạng biến đổi khí hậu và trước mắt là giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan tới TQ như nạn đánh bắt cá trái phép, theo kênh Channel News Asia.

Bên cạnh đó, Mỹ thời gian qua cũng ra sức thúc đẩy và nâng tầm của nhóm “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) như một công cụ quan trọng trong nỗ lực kìm hãm sự hiện diện của TQ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù mục tiêu của chiến lược này ở bốn quốc gia trên không hoàn toàn giống nhau và càng không thể đồng nhất với nhau cũng như việc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào cho các bên tham gia, bốn nước đều thúc đẩy hợp tác với một sự nhất trí ngày càng được củng cố vững chắc, tạp chí Modern Diplomacy cho biết.

Cùng thời điểm, mối quan hệ giữa bốn nước này với TQ đang lao dốc và không có dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng này sẽ được cải thiện trực tiếp trong tương lai gần. Đây chính là một cơ sở quan trọng nữa để định hình tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như thúc đẩy Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc nhích lại gần nhau.

Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa TQ và Ấn Độ cũng đã tạo ra nhiều tác động lớn. Quan hệ giữa TQ với Mỹ, Nhật và Úc từ lâu vẫn căng thẳng nên không có nhiều sự thay đổi đáng kể trong cách thức các nước này tương tác với nhau. Tuy nhiên, Ấn Độ từ một quốc gia theo đuổi chính sách không liên kết, độc lập về đối ngoại đã trở nên ngày càng thận trọng với TQ và tham gia vào nhóm nước trên.

Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh mà nhóm này tổ chức trực tuyến hồi tháng 3 đã mời thêm một số nước như Hàn Quốc, New Zealand càng khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng hình thành “bộ tứ mở rộng”. Nhiều chuyên gia đánh giá QUAD đã tạo cho Mỹ và đồng minh một khuôn khổ đa phương lý tưởng nhằm thách thức Bắc Kinh trong tương lai. Có thể dự đoán hướng mở rộng chính của QUAD sẽ bắt đầu từ các thành viên Ngũ Nhãn (Anh, New Zealand), tiếp đến là Hàn Quốc ở Đông Á và những nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm thiết lập vòng vây TQ từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.•

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc muốn kiểm soát Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày10-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo TQ đang lăm le kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện không có đường dây liên lạc trực tiếp nào giữa các nhà lãnh đạo Washington và Bắc Kinh. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ thổi bùng khủng hoảng dù chỉ từ một sự cố rất nhỏ, theo tờ The Nikkei.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Angus King của bang Maine có mặt tại buổi điều trần cũng nhận định rằng một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất mà Mỹ hiện phải đối mặt là xung đột ngẫu nhiên với TQ - một loại xung đột nào đó ở Biển Đông, eo biển Đài Loan - và nguy cơ leo thang từ xung đột ngẫu nhiên đó.

Đài CNBC cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa nộp bản đệ trình ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2022 lên Quốc hội Mỹ. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến được phân bổ 715 tỉ USD, tăng khoảng 10 tỉ USD so với năm nay. Bản đệ trình cũng dành ra 5,1 tỉ USD cho sáng kiến răn đe Thái Bình Dương mà theo chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giúp kiềm chế TQ ở châu Á.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/my-tang-nguon-luc-doi-pho-voi-trung-quoc-993338.html