Mỹ sẽ 'siết' lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran

Mỹ dự kiến sẽ gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt đối với Iran, song chỉ cho phép 5 quốc gia được tiếp tục mua dầu của Tehran trong tháng 5 tới.

Theo giới phân tích năng lượng, chính phủ Mỹ có thể sẽ gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt đối với nhập khẩu dầu thô của Iran vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ rút bớt so với danh sách hồi tháng 11 năm ngoái, theo đó chỉ còn 5 nước được nhận ưu đãi này nhằm “xoa dịu” những nhà nhập khẩu năng lượng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ và giữ ổn định giá dầu trên thị trường toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ sau khi thông báo lệnh miễn trừ tạm thời cho 8 quốc gia tiếp tục được mua dầu của Iran sau khi Washington chính thức áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Tehran.

Ngay sau quyết định của chính quyền Washington, giá dầu Brent đã lao dốc tới 22% trong tháng 11/2018 do lo ngại tình trạng dư cung trên thị trường. Đồng thời, nhằm cân bằng nguồn cung cầu để kéo giá dầu đi lên, tại cuộc họp chính sách hôm 7/12/2018, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã đồng ý thực hiện việc cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 1/2019.

Mỹ dự kiến sẽ chỉ cho phép 5 quốc gia được tiếp tục mua dầu của Tehran trong tháng 5 tới.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ giảm bớt số nước được hưởng biện pháp miễn trừ trừng phạt, dự kiến được gia hạn vào tháng 5 tới, sẽ tác động không ít tới hoạt động xuất khẩu dầu của Iran - nhà sản xuất dầu lớn thứ 4 trong OPEC, song Mỹ vẫn khó có thể đạt được mục tiêu trước đó là đưa xuất khẩu dầu của Tehran về mức bằng 0.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Iran bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/11/2018. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, đây là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Các nhà phân tích Eurasia Group tại Mỹ cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ được tạm thời mua dầu mỏ của Iran, với tổng sản lượng khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Danh sách mới lần này sẽ không có Italia, Hy Lạp và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Việc siết chặt lệnh trừng phạt này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Iran, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đang xây dựng kế hoạch ngân sách đặt nhiều kỳ vọng vào lợi nhuận thu được từ ngành dầu mỏ.

Lượng nhập khẩu dầu thô từ Iran tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm ghi nhận trong tháng 11/2018 sau khi lệnh cấm vận của Mỹ lên Tehran chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu nhập khẩu trở lại dầu thô của Iran từ tháng 11, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nối lại nhập khẩu vào tháng 12.

Hàn Quốc dự kiến sẽ nhận lô dầu nhập khẩu từ Iran trong tháng này sau khi tạm dừng trong 4 tháng trước đó, trong khi đó Nhật Bản cũng đang làm thủ tục để tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Tehran trong tháng tới.

Nhà phân tích Keith Mike Tran của RBC Capital Markets hôm 17/1 lưu ý: “Mong muốn giá dầu duy trì ở mức thấp của Tổng thống Trump cũng như Trung Quốc và Ấn Độ vấn tiếp tục mua lượng lớn dầu mỏ từ Iran, Nhà Trắng khó có thể thực hiện được mục tiêu cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ của Tehran về mức bằng 0, mặc dù lệnh cấm vận đã khiến quốc gia Hồi giáo này sụt giảm hàng trăm nghìn thùng dầu”.

Nguyễn Phương (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/my-se-siet-lenh-trung-phat-doi-voi-nganh-dau-mo-iran-334563.html