Mỹ mắc kẹt trong căng thẳng ở Đông Bắc Á
CHDCND Triều Tiên hôm 10-8 tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong động thái được cho là nhằm phô trương lực lượng và phản đối cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Giới chức Hàn Quốc nói thêm vụ thử này còn nhằm kiểm tra khả năng của các tên lửa tầm ngắn vừa được phát triển của Triều Tiên. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên bay được 400 km và đạt độ cao lên đến 48 km. Bất chấp đây là vụ phóng thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng hai tuần, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nhấn mạnh cuộc tập trận chung với Mỹ vẫn diễn ra vào tuần tới như dự kiến.
Trước khi diễn ra vụ phóng tên lửa nói trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi "một lá thư tuyệt vời" cho ông để giải thích việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa thời gian gần đây. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông Kim Jong-un tỏ ra không hài lòng về các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trong lá thư dài 3 trang này, ông Kim cho biết không thích tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất nhưng biện minh đây là hành động nhằm phản ứng chuyện Mỹ - Hàn tập trận chung. Bên cạnh việc tiết lộ nội dung bức thư nhận được hôm 8-8, nhà lãnh đạo Mỹ còn đề cập đến khả năng diễn ra cuộc gặp khác với lãnh đạo Triều Tiên nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Trong lúc tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng từ các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, ông Trump đã lên tiếng kêu gọi hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cải thiện quan hệ đang ngày một căng thẳng. "Hàn Quốc và Nhật Bản luôn đối đầu nhau. Họ phải sát cánh cùng nhau bởi họ đang đặt Mỹ vào một thế khó" - ông Trump phàn nàn. Chỉ trích này được ông Trump đưa ra giữa lúc quan hệ Hàn - Nhật xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây do tranh cãi về các vấn đề lịch sử và chính sách thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ không muốn ra tay can dự để giúp hai đồng minh này hàn gắn rạn nứt.
Nỗi lo hiện nay là thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể bị vạ lây. Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), Seoul dọa chấm dứt thỏa thuận này, qua đó ảnh hưởng đến hợp tác an ninh 3 bên với Washington trước những thách thức an ninh đặt ra từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự (GSOMIA) được ký vào tháng 11-2016 cho phép thu thập thông tin tình báo 3 chiều giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như giúp 3 nước này đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. GSOMIA cũng cho phép Tokyo và Seoul chia sẻ thông tin tình báo về Bình Nhưỡng. Năm nay, theo Kyodo, hạn chót để các nước quyết định có gia hạn thỏa thuận thêm một năm nữa hay không là ngày 24-8.
Ông Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Âu (Bỉ), cho rằng việc hủy bỏ thỏa thuận có thể giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Không thể phủ nhận rằng việc chấm dứt GSOMIA sẽ làm sứt mẻ liên minh Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản. Điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác quân sự ở Đông Bắc Á" - ông Pardo nhận định.