Mỹ loay hoay học khắc chế J-20

Theo Đại tá Emmanuel Haldopoulos, Không quân Mỹ đang có kế hoạch huấn luyện với mô hình tiêm kích J-20 bằng kích thước thật.

Thông tin bất ngờ này được Đại tá Emmanuel Haldopoulos, người đứng đầu trung tâm huấn luyện Không quân Mỹ cho biết khi nói về sự hiện diện bất ngờ của mô hình tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc tại Sân bay Savannah-Hilton Head ở bang Georgia vào ngày 5/12 vừa qua.

"Đây là một bản sao kích thước thật. Hiện Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang cung cấp ngân sách và lên kế hoạch huấn luyện có sự tham gia của loại khí tài này (chiến đấu cơ tàng hình J-20)", ông Emmanuel Haldopoulos nói.

Mô hình tiêm kích J-20 tại căn cứ Mỹ.

Thừa nhận của Đại tá Mỹ cho thấy một thực tế rằng, Lầu Năm Góc đang đánh giá rất cao sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không quân sự. Và đây cũng là thừa nhận của tờ National Interest hồi tháng 10/2018, với thiết kế tối ưu cùng hệ thống điện tử hiện đại, J-20 khiến Mỹ cảm nhận được sức nóng khi máy bay này có thể sánh ngang F-22.

Tạp chí Mỹ nhận định, so với những nguyên mẫu ban đầu, mẫu J-20 Không quân Trung Quốc tuyên bố đã đưa vào trang bị có nhiều cải tiến mang tính cách mạng. Thứ nhất là thiết kế ống xả đã được xử lý giống như trường hợp của F-22.

Với thiết kế tối ưu, phần đầu của J-20 tương đương F-22 với cửa hút gió được mở rộng, và được trang bị được radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), giúp khả năng tác chiến tổng hợp của J-20 vượt trội so với F-35 và ngang ngửa với F-22, tạp chí Mỹ thừa nhận.

Không những vậy, báo Mỹ dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc, Trang Văn Long nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Khả năng của J-20 vượt qua F-35 là chắc chắn và máy bay tàng hình của Trung Quốc đã vượt qua giới hạn kĩ thuật mà nhân loại biết đến".

National Interest cũng thừa nhận, dù chưa kiểm chứng nhưng nếu J-20 được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động AESA (Active Electronically Scanned Array) thì tiêm kích tàng hình Trung Quốc ít nhất cũng có thể sánh ngang F-22 với công nghệ radar.

AESA là loại radar có khả năng phát/thu các sóng vô tuyến riêng biệt từ những module giao thoa trên ăng ten. Các phần tử trên ăng ten radar AESA có thể thay đổi tần số 1.000 lần/giây.

Những chùm tia phát đi không hoạt động ở một tần số cố định nào nên rất khó phát hiện. Đây là một trong những tính năng quan trọng để áp dụng trên máy bay tàng hình. Nhờ các phần tử thu/phát độc lập trên ăng ten nên radar AESA có độ chính xác rất cao trong phát hiện và bám bắt mục tiêu.

Radar AESA phát hiện được mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) rất nhỏ. Ngoài ra, nó còn có thể tập trung nguồn phát làm quá tải các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương. Điều này khiến radar AESA đảm nhiệm được vai trò của một vũ khí viba.

Các module thu/phát độc lập còn cho phép radar AESA phát hiện và theo dõi đồng thời rất nhiều mục tiêu cùng lúc. Do không tập trung vào một tần số cụ thể nào nên radar AESA rất khó bị gây nhiễu. Radar AESA được nhận định là một chuẩn mực cho máy bay chiến đấu hiện đại.

AESA là một công nghệ hot mà các cường quốc trên thế giới đang đua nhau phát triển. Trong đó, Mỹ và Israel là 2 quốc gia đạt được nhiều thành tựu nhất, Trung Quốc cũng tuyên bố đã phát triển thành công radar AESA với tên gọi Type 1475.

Với những gì Trung Quốc làm được với J-20, không khó hiểu vì sao Mỹ lại phải sản xuất mô hình bằng kích thước thật của tiêm kích này để huấn luyện.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-loay-hoay-hoc-khac-che-j-20-3370875/