Mỹ kỳ vọng quân đội chung châu Âu để... hỗ trợ NATO

Mỹ hy vọng quân đội chung của các nước châu Âu thể hiện lập trường rõ hơn như là sự bổ sung, chứ không phải thách thức với NATO.

Mỹ mang ngáo ộp Nga dọa EU

Trong một cuộc họp giữa Đại diện thường trực của Mỹ tại EU Gordon Sundland với các nghị sỹ của châu Âu, phía Mỹ bày tỏ muốn EU thể hiện rõ ràng hơn lập trường của mình về kế hoạch thành lập quân đội chung châu Âu.

Ông Sundland cũng nhấn mạnh rằng Washington kỳ vọng quân đội của riêng châu Âu này sẽ là sự bổ trợ cần thiết cho toàn khối liên minh NATO, thay vì tham vọng thay thế tổ chức này và gạt bỏ những đóng góp của Mỹ trong hàng chục năm qua.

"Đây là một vấn đề nhạy cảm với chúng tôi. Chúng tôi phải thường xuyên thuyết phục người dân Mỹ về lý do vì sao phải gửi đi hàng chục tỷ USD hàng năm để bảo vệ châu Âu khỏi "mối đe dọa Nga" và những đối thủ khác. Số tiền này nước Mỹ có thể làm được nhiều việc hơn, nhưng chúng tôi vẫn giúp đỡ bạn bè mình" - ông Sundland nhấn mạnh.

Theo Đại diện Mỹ ở châu Âu, tình hình đã diễn biến hết sức phức tạp khi EU đang muốn tự giải quyết các vấn đề an ninh của mình dựa trên một nền tảng vũ trang tự lập. Điều này đã đe dọa phá hoại khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn đã hoạt động hiệu quả hàng chục năm qua.

Mỹ hy vọng mình vẫn là trung tâm trong các kế hoạch quân sự với châu Âu

Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chúng tôi hy vọng EU chỉ muốn tuyên bố thành lập quân đội chung châu Âu ở mức độ nhất định để đảm bảo khả năng tự chủ trong vấn đề quốc phòng, điều này sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đầy đủ với NATO với tư cách bổ sung chứ không phải thay thế tổ chức NATO".

Với những tuyên bố này của nhà ngoại giao Gordon Sundland, Mỹ đã thể hiện lập trường chính thức của mình về vấn đề Quân đội chung châu Âu". Washington sẽ chỉ chấp nhận quân đội chung này là một nhánh của NATO, một công cụ của NATO, thay vì lực lượng này được phát triển theo hướng riêng biệt và trở thành trở ngại của NATO.

Khó khăn cho Đức-Pháp

Đồng quan điểm với Mỹ, một số quốc gia thuộc EU cho rằng họ cảm thấy không có vấn đề gì với cách mà NATO đang hoạt động, và quân đội chung thành lập lúc này là không cần thiết, làm tăng đáng kể chi phí quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho biết Hà Lan khẳng định không tham gia vào kế hoạch Quân đội chung châu Âu.

"Bà Merkel (Thủ tướng Đức) và ông Macron (Tổng thống Pháp) dường như đã có một tầm nhìn xa rời thực tiễn. Không chỉ Hà Lan mà còn rất nhiều nước thành viên EU khác sẽ phản đối lời kêu gọi này" - Bộ trưởng Bijleveld nhấn mạnh.

Phía Hà Lan cũng cho biết quân đội của nước họ vẫn đang luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi thách thức, và sẵn sàng hỗ trợ đồng minh gồm Mỹ và các nước thành viên châu Âu. Hà Lan cảm thấy họ đang thoải mái và không bị phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức nào, dù là NATO hay Quân đội chung châu Âu (nếu được thành lập).

Chỉ huy quân Đức trong cuộc tập trận của NATO

Thành viên Ủy ban đối ngoại và quốc phòng Nghị viện châu Âu, Arnaud Danjean nhấn mạnh: "Việc quay lưng với NATO để thành lập lực lượng vũ trang là ảo tưởng. Thậm chí phản tác dụng".

Nghị sỹ Arnaud Danjean cho rằng EU luôn trong tình trạng bất đồng về các vấn đề quân sự, an ninh. "Các nước thành viên chỉ có điểm chung duy nhất là tìm cách ngăn chiến tranh nổ ra với Nga. Mỗi nước trong EU đều có mục đích và lợi ích riêng, khó có thể đồng thuận về mục tiêu chung. Nếu quân đội chung này được triển khai, các nước tham gia sẽ phải tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng vì vẫn còn những khoản đóng góp cho NATO".

"Quân đội chung châu Âu sẽ không mang lại kết quả gì. Nhưng một điều chắc chắn, nạn quan liêu ở EU sẽ tăng mạnh" - chuyên gia phân tích Franz Stefan-Gady nhận định.

Hiện chỉ có Đức và Pháp là hai quốc gia sốt sắng nhất trong việc thành lập Quân đội chung châu Âu. Họ hy vọng với lực lượng này, EU sẽ có những tiếng nói riêng, độc lập với quan điểm của Mỹ. Thậm chí Tổng thống Pháp Macron còn cho rằng Washington đối xử không công bằng với đồng minh, coi đồng minh như các nước chư hầu.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-ky-vong-quan-doi-chung-chau-au-de-ho-tro-nato-3369679/