'Mỹ có công nghệ tiên tiến hơn tên lửa Burevestnik Nga'

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố trên trang Twitter rằng, Mỹ có công nghệ tương tự tên lửa dùng động cơ hạt nhân Burevestnik nhưng tiên tiến hơn.

Tuyên bố của ông chủ Nhà trắng được đăng tải khi nói về những thông tin Mỹ thu thập được về vụ nổ tên lửa mang động cơ hạt nhân Burevestnik (NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall) của Nga.

"Vụ nổ tên lửa Skyfall khiến nhiều người lo ngại về chất lượng không khí gần bãi thử và xa hơn thế. Đó là điều không tốt.

Hiện Mỹ cũng có công nghệ tương tự Skyfall nhưng tiên tiến hơn so với mẫu động cơ tên lửa Nga phát nổ trong thử nghiệm. Mỹ đang học hỏi rất nhiều từ vụ thử tên lửa thất bại này", ông Trump viết.

Tên lửa Burevestnik của Nga.

Vụ tên lửa Nga phát nổ khi thử nghiệm được Tổng thống Mỹ nói đến xảy ra ở miền bắc nước Nga hôm 8/8. Nhiên liệu từ động cơ tên lửa phát nổ làm nhiều nhà khoa học rơi xuống biển, khiến 5 chuyên gia thiệt mạng và ít nhất ba người bị bỏng nặng.

Sau tuyên bố của ông Trump, truyền thông phương Tây cho rằng, cùng với Nga, nhiều khả năng Mỹ là quốc gia thứ 2 đang theo đuổi chương trình phát triển tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân. Khả năng này hoàn toàn có thể bởi ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ đã phát triển thành công loại tên lửa không giới hạn về tầm bắn này với định danh Dự án Pluto.

Cốt lõi của Dự án Pluto là một tên lửa hành trình được thiết kế xung quanh động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng, từ viết tắt của nó là SLAM (Supersonic Low Altitude Missile/Tên lửa hành trình siêu âm bay thấp).

Điều đó có nghĩa là con quái vật khổng lồ sử dụng năng lượng hạt nhân này sẽ bay ở độ cao chỉ trên ngọn cây một chút. Động cơ phản lực hạt nhân dòng thẳng - "trái tim" của Dự án Pluto chính là chìa khóa khiến cho vũ khí này trở nên khủng khiếp.

Thiết kế của động cơ rất đơn giản, về cơ bản không có bộ phận chuyển động. Khi tên lửa được phóng đi, vận tốc không khí đi qua ống dẫn đủ nhanh để cho phép động cơ hoạt động, lò phản ứng hạt nhân sẽ làm nóng không khí đi vào, nơi nó giãn nở và được xả ra từ vòi phụt, cung cấp cả lực đẩy rất lớn so với nhiên liệu thông thường.

Sau khi đã đạt được những thành công nhất định với Dự án Pluto, những nhà lãnh đạo và giới quân sự Mỹ mới hiểu ra rằng, công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã chứng minh sự dễ dàng trong chế tạo và phát triển, làm giảm nhu cầu vào tên lửa hành trình đặc biệt này.

Do vậy đến ngày 1/7/1964, bảy năm rưỡi sau khi khởi động, Dự án Pluto đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, với việc Nga bắt tay vào phát triển và thử nghiệm với chương trình tên lửa Skyfall với động cơ hạt nhân, khả năng Mỹ hồi sinh Dự án Pluto với những nâng cấp mới là hoàn toàn có thể.

Và việc ông Trump khẳng định công nghệ tên lửa chạy động cơ hạt nhân của Mỹ tiên tiến hơn Nga là hoàn toàn có cơ sở.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-co-cong-nghe-tien-tien-hon-ten-lua-burevestnik-nga-3385572/