Mỹ biến Iraq thành đại pháo đài để xoay chuyển Trung Đông?

Mỹ có dấu hiệu rút quân Syria, nhưng họ lại tăng quân ở Iraq. Điều này cho thấy Iraq sắp trở thành hạt nhân cho chiến lược Mỹ ở Trung Đông.

Iraq sẽ trở thành đại căn cứ của Mỹ?

Chuyên gia phân tích Mohammad Obaid nhận định trên kênh Press TV ngày 11/1 rằng Mỹ đang và sẽ triển khai thêm quân đội đến Iraq nhằm duy trì sự hiện diện tại Trung Đông, sau khi rút quân khỏi Syria.

Chuyên gia này nhận định: "Đầu tiên, chúng ta phải lưu ý rằng mọi kế hoạch và âm mưu của Mỹ đều thất bại tại Syria. Nhưng sẽ không hợp lý nếu chúng ta trông đợi vào việc Mỹ đầu hàng và từ bỏ mọi thứ ở khu vực vốn dĩ vô cùng quan trọng với họ".

"Hãy nhìn những xác lính Mỹ cùng với hàng nghìn tỷ USD họ đổ ra tại Trung Đông trong gần 2 thập kỷ qua. Nếu nơi đây không quan trọng, họ sẽ chẳng bỏ vào đó lấy 1 USD. Khi thất bại ở Syria, họ chỉ đơn giản là thu lại các quân bài và chia một ván mới. Họ là một người chơi không mệt mỏi" - chuyên gia Obaid đánh giá về tình hình của Mỹ ở Syria.

Một khu căn cứ liên hợp của Mỹ tại Iraq

"Những thông tin chiến trường cho thấy Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria. Nhưng những lực lượng quân sự này rút đi đâu? Họ không di chuyển 8.000 km về Mỹ đâu, họ chỉ đi vài chục km cho đến vài trăm km sang các căn cứ quân sự bên kia bên giới ở đất Iraq thôi.

Xét về cấp độ chính trị cũng như quân sự, Washington nhận ra họ không nên ở lại Syria lâu hơn nữa. Chính vì vậy, họ phải có một sự chuẩn bị khác, và họ đã lựa chọn vùng Kirkuk bởi tầm quan trọng của thành phố này cũng như chính sách mà họ đang theo đuổi với người Kurd ở đây" - Chuyên gia phân tích Mohammad Obaid nhấn mạnh.

Thêm những chỉ dấu cho việc Mỹ tăng quân tại Iraq. Truyền thông nước này vừa loan tin về việc Mỹ sẽ thành lập tới 4 căn cứ quân sự quy mô lớn tại tỉnh Al-Anbar của nước này, giáp với Syria. Nâng tổng số căn cứ quân sự tại đây lên 9.

4 căn cứ này có khả năng chứa tới hàng nghìn lính, có trang bị sân bay quân sự, các nhà chứa máy bay, trung tâm tác chiến điện tử, cùng với các hệ thống radar hiện đại. Ngoài ra, các căn cứ trước đây ở Al-Anbar cũng được Mỹ tiến hành nâng cấp.

Một thông tin khác, hồi cuối tháng 12/2018, một nhóm quân của Mỹ tại Al-Hasakah đã rút lui theo chỉ thị của Lầu Năm Góc mang theo toàn bộ khí tài và trang thiết bị tác chiến. Tuy nhiên họ chỉ rời Syria để sang thành phố bên kia biên giới Tal Afar của Iraq.

Hiện tại Mỹ đang có 5.200 binh sĩ đóng tại Iraq, căn cứ quân sự lớn nhất là Al-Asad, cách thủ đô Baghdad khoảng 100km về phía Tây. Căn cứ này có khoảng 2.000 quân Mỹ, cùng với nhiều chiến đấu cơ và trực thăng chiến đấu, vận tải hiện đại.

Lính Mỹ tại căn cứ ở tỉnh Al-Anbar

Dịp Giáng sinh vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã xuất hiện tại căn cứ này và khẳng định với quân nhân ở đây về vai trò quan trọng của họ trong các chiến lược tương lai của đất nước.

Nếu quân lực ở Syria được rút lui và dồn sang Iraq, và Washington dự định rút khoảng 7.000 quân trong số 14.000 quân đang ở Afghanistan về nước. Như vậy Iraq sẽ trở thành quốc gia Trung Đông chứa nhiều lính Mỹ nhất.

Điều này cho thấy, Mỹ vẫn đang thèm khát Syria, họ chỉ đơn thuần đứng bên ngoài hàng rào và chờ đợi, họ sẵn sàng quay lại Syria bất kỳ lúc nào.

Kế hoạch của Mỹ có thuận buồm xuôi gió?

Những toan tính của Washington là hoàn toàn phù hợp với tình thế và mục tiêu của họ ở Trung Đông. Iraq là quốc gia láng giềng với Iran, họ có thể gia tăng ảnh hưởng tại Iraq để đề phòng một Iran ngày càng bành trướng và manh động.

Trong khi đó, từ Iraq, Mỹ có thể quay lại Syria bất kỳ lúc nào, từ một cuộc tổng tấn công đường không cho đến các hoạt động quân sự đánh chiếm lãnh thổ.

Ngoài ra, Iraq còn ẩn chứa những mâu thuẫn sắc tộc khiến Mỹ dễ dàng thao túng. Chuyên gia Mohammad Obaid đã nhắc đến một Kirkuk trong chiến lược mới của Mỹ. Thành phố này vốn thuộc quyền tự trị của người Kurd, nhưng đã bị quân đội Iraq chiếm đóng hồi cuối năm 2017.

Lượng xe quân sự đông đảo trong một căn cứ của Mỹ ở Iraq

Thời điểm đó, Mỹ tuyên bố không tham gia vào vấn đề phức tạp giữa người Kurd và chính quyền Baghdad. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống căn cứ quân sự Mỹ trải ra tại Iraq, có thể điểm thấy họ đang làm chủ khu vực Tây Iraq với tỉnh Al-Anbar, Tây Bắc Iraq tại thành phố chiến lược Mosul.

Như vậy, các địa điểm trọng yếu để có thể cùng lúc can thiệp vào Baghdad hay Đông Syria đều đã được Mỹ khống chế. Ngoài ra, người Kurd ở Iraq hay ở Syria với tham vọng tự trị của họ đều là vấn đề nhức nhối đối với mỗi chính quyền từ Damascus đến Baghdad.

Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ khi muốn thành lập một đại quốc gia người Kurd, vẽ lại toàn bộ bản đồ Trung Đông đã sớm thất bại. Chính việc họ rút quân khỏi Syria đã đẩy người Kurd ở quốc gia này ngả về vòng tay của Nga-Syria.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ đã thừa nhận sự thiếu tin tưởng vào vai trò dẫn dắt của Mỹ. Khi Thổ Nhĩ Kỳ đang là chiến hữu của Nga để giải quyết vấn đề Syria. Còn Pháp cũng lũ lượt kéo quân về nước sau khi Mỹ tuyên bố rút lui.

Câu chuyện rút quân của Mỹ đã hạ bệ uy tín của ông Donald Trump, một Washington khó lường và bất nhất không đủ khiến đồng minh tin tưởng. Có thể khẳng định rằng họ muốn tiếp tục vẫy vùng tại Trung Đông, nhưng các đồng minh của họ dường như không muốn bơi chung bãi lầy này với Mỹ mà không được đảm bảo lợi ích.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-bien-iraq-thanh-dai-phao-dai-de-xoay-chuyen-trung-dong-3372768/