Mưu sinh ở đâu?
Trong nhiều lần tác nghiệp, tôi có đến chợ Đ., phường TĐ., TP. Thái Nguyên. Mỗi lần đến chợ tôi lại có cảm giác chạnh lòng. Chợ Đ. được xây dựng khá lâu nhưng hình như chưa một lần được đầu tư sang sửa.
Những ngày mưa, mặt sân chợ nhớp nháp, đen đúa, cáu két bởi đất cát, nước thải hòa trộn do lối thoát nước hư hỏng, tắc nghẽn… Bẩn nhất phải kể đến khu vực bán hải sản, ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc nào cũng ướt nhẹp bởi nước thải hòa với máu cá, bốc mùi tanh hôi.
Mỗi lần vào khu vực này, tôi đều phải đeo khẩu trang mà vẫn không cản nổi mùi hôi thối bốc lên. Và lần nào cũng vậy, đến khu vực này, trong tôi đều có chút chạnh lòng, thương cảm những người bán hàng ở đây, ngày nào họ cũng phải ngồi buôn bán trong môi trường ô nhiễm như vậy, hẳn ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhưng như thế vẫn còn được xem là may mắn, bởi có đến vài chục tiểu thương còn không có chỗ để ngồi bán hàng trong chợ, do chợ cũ kỹ, nhỏ hẹp, xuống cấp, buộc họ phải bán tràn ra vỉa hè (khu vực trước cổng chợ); đồng nghĩa với việc họ trở thành người vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Bởi vậy, mỗi lần chứng kiến cảnh những người thi hành công vụ thu hồi hàng hóa, xe đẩy, ô che nắng… khiến các bà, các chị chạy tán loạn, tôi thực sự trăn trở. Họ đều là những người lao động chân chính, nghèo khổ, bám vào chợ Đ. để buôn bán, mưu sinh. Nhưng chỉ vì chợ nhỏ hẹp, xuống cấp không đủ chỗ ngồi, buộc họ phải tràn ra lề đường, vô hình chung lại thành “vi phạm”.
Chị B., một người bán hàng ở vỉa hè gần chợ T. ngậm ngùi nói: Cả gia đình tôi trông vào việc buôn bán rau, củ, quả, lãi chẳng đáng là bao, chỉ cần bị phạt, thu ô che nắng là mất lãi cả tuần. Tôi không muốn bán hàng ở vỉa hè, vì biết là vi phạm, lòng luôn bất an, nơm nớp lo sợ bị phạt nhưng trong chợ không còn chỗ để ngồi. Giờ tôi cũng không biết bán hàng ở đâu?
Câu hỏi này dành cho các cấp, ngành chức năng. Bởi dân số ngày càng tăng, cung-cầu hàng hóa ắt tăng, thì việc đầu tư xây mới, mở rộng chợ để đáp ứng nhu cầu bán - mua của người dân là cấp thiết. Trong khi chợ chưa được mở rộng thì cần phải có phương án tạo điều kiện cho người dân buôn bán tạm thời, còn “nay đuổi, mai phạt” không khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, mà người chịu khổ vẫn là dân.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202411/muu-sinh-o-dau-cd21f5f/