Mức xử phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?

Đề nghị Báo Nhân Dân cho biết: 1- Mức xử phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật? (NGUYỄN THỊ HIỀN, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Đề nghị Báo Nhân Dân cho biết: 1- Mức xử phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật? (NGUYỄN THỊ HIỀN, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

2- Các quy định về cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật? (ĐÀO LINH, Phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

3- Quy định về lắp đặt biển hiệu và bảng quảng cáo quán ka-ra-ô-kê trên địa bàn TP Hà Nội? (NGỌC LINH, Phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời:

1- Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 6-5-2016 của Chính phủ quy định mức xử phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc; Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

2- Theo Điều 9 của Nghị định 35/2016 của Chính phủ ngày 15-5-2016, Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y, thì cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, gồm: Cấm xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật hoặc đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y mà không có biện pháp xử lý hoặc có biện pháp xử lý nhưng không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu...

Cấm nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật trong các trường hợp sau đây: Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch của Việt Nam hoặc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới; có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho động vật nuôi trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu đã bị tạm ngừng nhập khẩu nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp khắc phục hoặc đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không đáp ứng được các quy định của Việt Nam.

3- Quy định về cấp phép xây dựng và lắp biển quảng cáo, bảng quảng cáo quán ka-ra-ô-kê: Hiện nay, trong Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về việc cấp phép xây dựng bảng quảng cáo (bảng quảng cáo quán ka-ra-ô-kê).

- Các bảng quảng cáo, biển hiệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn:

Biển hiệu phải có các nội dung: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Địa chỉ, điện thoại.

- Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này: “Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau: Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài”.

- Kích thước biển hiệu được quy định như sau: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

BAN BẠN ĐỌC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31774102-tra-loi-ban-doc.html