Một số lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện chưa tốt việc tiếp công dân

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018), trong đó sự tham gia của xã hội trong PCTN còn thấp so với các nội dung khác.

Kết quả đánh giá cho thấy, các nội dung của công tác PCTN đều được các địa phương triển khai, thực hiện nhưng mức độ thực hiện giữa các địa phương không đồng đều, ở từng nội dung cũng có chênh lệch khá rõ rệt. Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được xấp xỉ 60% yêu cầu, điểm trung bình toàn quốc là 59.575/100.

Sự tham gia của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng được đánh giá thông qua sự phối hợp giữa UBND các tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các góp ý, phản biện xã hội trong hoàn thiện cơ chế, pháp luật về PCTN, thực hiện các chương trình giám sát và thực hiện các khuyến nghị.

Đồng thời, tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN...

Đánh giá về sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN năm 2018

Việc thực hiện Luật Tiếp công dân 2013 là cơ sở đánh giá quan trọng, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Tuy nhiên nhiều địa phương cho rằng, việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng (Khoản 5, Điều 12, Luật Tiếp công dân năm 2013) là khó thực hiện.

Đáng quan tâm, điểm ở nội dung sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN được Thanh tra Chính phủ đánh giá thấp so với các nội dung đánh giá khác trong nội dung quản lý nhà nước về công tác PCTN. Việc xây dựng nội dung phối hợp về công tác PCTN, tiếp thu các kiến nghị sau giám sát và tiếp công dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Năm 2018, các địa phương cũng đã tiếp tục quan tâm đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân; từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp.

Trên toàn quốc, hầu hết có quy định về việc lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định, ra quyết định giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân. Ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (trước hết là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong chỉ đạo việc xem xét, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài đã được nâng cao.

Tuy nhiên, một số địa phương đạt điểm thấp trong nội dung này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện chưa tốt việc tiếp công dân, thậm chí có tỉnh không cung cấp được dữ liệu về chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tiếp dân trong năm. Trong năm 2018, có tới 17 lãnh đạo tỉnh tiếp công dân ít hơn 5 lần/12 tháng (chưa đạt 50% so với yêu cầu).

“Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt ở một số địa phương”, Báo cáo nhận định.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-so-lanh-dao-ubnd-tinh-thuc-hien-chua-tot-viec-tiep-cong-dan-190226.html