Một ngày ở đồng quê

Quãng tám hay chín giờ sáng, mây đen bỗng từ đâu kéo tới. Chớp vằn vện chạy ngang bầu trời. Tiếng sấm đã ì ầm ở phía xa. Gió bắt đầu lùa qua đám cỏ, vít cong cành cây và thổi tung đám bụi trên đường. Chỉ vài phút nữa thôi là cơn giông sẽ tới.

Con bé mồ côi Fyokla mới sáu tuổi chạy khắp làng tìm ông lão sửa giày Terenty. Gặp ai con bé cũng hỏi, nhưng chẳng ai trả lời. Mọi người còn mải chống giông lốc và phần lớn đã rút hết vào trong nhà. Cuối cùng, Fyokla gặp người trông nhà thờ Silanty, bạn thân của ông Terenty. Ông Silanty cũng đang ngả nghiêng trong cơn gió giật.

Fyokla hỏi: “Ông Silanty ơi, ông có thấy ông Terenty đâu không?”.

Ông Silanty đáp: “Ở ngoài vườn, sau bếp ấy”.

Terenty là một người ông lớn tuổi có khuôn mặt rỗ do bệnh đậu mùa. Ông đang đứng cạnh mấy luống rau, ngước đôi mắt đờ đẫn nhìn lên bầu trời đầy mây đen; đôi chân dài lắc lư.

Fyokla gọi: “Ông Terenty ơi!”.

“Fyokla đấy à? Cháu vừa từ đâu về?”.

Fyokla vừa kéo áo ông Terenty vừa bảo: “Anh Danilka đang gặp nạn. Nhanh đi với cháu!”.

“Ôi trời… Danilka gặp nạn ra sao?”.

“Ở rừng cây nhà bá tước. Anh ấy thò tay vào trong hốc cây và không rút ra được nữa. Đi thôi ông”.

“Ồ, sao thằng bé lại nhét tay vào trong hốc cây cơ chứ?”.

“Anh ấy lấy cái trứng chim cu cho cháu”.

Ông Terenty lắc đầu: “Chưa bảnh mắt mà hai đứa đã bày ra trò rắc rối rồi… Nào, ta phải tới đó ngay. Sao lũ sói không tha hai đứa đi luôn cho rồi?”.

Từ làng ra khu rừng cây nhà bá tước cỡ hơn một dặm rưỡi. Mặt trời giờ đã biến mất. Mây đen che kín bầu trời. Chỉ một loáng sau, trời đất đã tối sầm. Những hạt mưa đầu tiên lộp độp rơi xuống, to và nặng như những chấm đen trên con đường đất. Ông Terenty lầm bầm: “Bắt đầu mưa rồi đây!” và vung mạnh đôi chân trần xương xẩu đá tung đám bụi trên đường: “Chẳng sao cả, Fyokla à. Nước mưa nuôi dưỡng đồng cỏ và cây cối, như bánh mỳ nuôi dưỡng chúng ta vậy. Còn mấy tiếng sấm kia ấy à? Chẳng có gì phải lo. Chúng chẳng có lý do gì để chạm tới một con bé tí tẹo như cháu cả!”.

Mưa đổ xuống thì cũng là lúc gió ngừng thổi. Thứ âm thanh duy nhất còn nghe được là tiếng mưa rơi trên ruộng lúa mạch và con đường khô nẻ. Ông Terenty lại bảo: “Chúng ta sẽ ướt như chuột, Fyokla ạ. Sẽ chẳng còn chỗ nào trên người là khô ráo cả… Nước đang chảy xuống cổ ông rồi. Nhưng đừng có sợ… Đồng cỏ sẽ lại khô ráo, mặt đất sẽ lại khô ráo và chúng ta cũng vậy. Mặt trời là của tất cả chúng ta”.

Một tia chớp dài lóe lên trên đầu hai ông cháu. Tràng sấm rền vang khiến Fyokla tưởng như có thứ gì đó rất to lớn đang bay lượn trên bầu trời và xé toạc nó ra ngay trên đó. Terenty đưa tay làm dấu thánh: “Đừng có sợ Fyokla! Ông trời chẳng giận dữ gì mà sấm nổ ầm ầm thế đâu!”. Con đường giờ đã trở nên trơn nhẫy và khó đi, nhưng ông Terenty vẫn bước thoăn thoắt. Fyokla thì đã hụt hơi và muốn dừng lại bất cứ lúc nào.

Cuối cùng thì hai ông cháu cũng tới khu rừng cây nhà bá tước. Ông hỏi: “Danilka ở đâu? Dẫn ông tới chỗ đó nhanh!”.

Nơi hàng cây cách đó cỡ nửa dặm, Danilka đang dựa người vào một thân cây, đầu nghiêng về một bên, hé mắt nhìn lên bầu trời. Thằng bé tám tuổi có mái tóc hung đỏ như màu đất. Một tay vẫn giữ chặt chiếc mũ cũ kỹ, tay còn lại nằm trong gốc cây đoan, nó chăm chú nghiêng khuôn mặt tái nhợt nhìn lên bầu trời giông gió. Rõ ràng là nó chẳng hề lo lắng tới hoàn cảnh éo le của mình. Nghe tiếng chân người và nhìn thấy ông lão sửa giày, thằng bé cười như mếu: “Sấm to quá ông Terenty ơi… Chưa bao giờ cháu thấy nhiều sấm chớp đến thế”.

Một mảnh gỗ nơi rìa hốc cây bị vỡ đã kẹp chặt vào tay Danilka, khiến nó chỉ có thể đẩy tay sâu vào trong mà không thể rút ra ngoài được. Terenty bẻ và rút mảnh gỗ vỡ ra. Bàn tay đỏ tấy và trầy xước của thằng bé ngay lập tức được giải thoát.

Xoa xoa tay, Danilka hỏi: “Ông Terenty ơi, vì sao có sấm chớp vậy?”.

Ông lão sửa giày đáp: “Là do hai đám mây va vào nhau”.

Mấy ông cháu đi ra khỏi rừng cây, lần ra con đường làng giờ đã tối sẫm. Sấm thỉnh thoảng vẫn rền vang, nhưng nghe như vẳng tới từ tận phía bên kia của ngôi làng.

Vẫn xoa xoa tay, Danilka bảo: “Hôm trước, lũ vịt bay qua đây. Chắc chúng làm tổ ở vùng đầm lầy Gniliya Zaimishtcha. Fyokla này, em có muốn anh chỉ cho một chiếc tổ chim sơn ca không?”.

Ông Terenty bảo: “Đừng có chạm vào đó. Các cháu sẽ làm kinh động lũ chim đấy. Sơn ca là loài chim ca hát và chẳng làm gì hại cả. Giọng ca thánh thót của chúng là để ngợi ca thánh thần và sưởi ấm lòng người. Sẽ là tội lỗi nếu làm ảnh hưởng tới chúng”.

“Vậy lũ chim sẻ thì sao?”.

“Chim sẻ thì được!”.

Một vệt xanh hé ra trên bầu trời. Ông Terenty lại bảo: “Hai đứa nhìn xem! Tổ kiến đã vỡ toang. Chúng bị lụt rồi. Đúng là một lũ ma cà bông!”.

Ông Terenty cúi xuống bảo lũ kiến: “Chúng mày không phải tha lôi nhau như vậy. Không chết đâu mà lo. Ngay khi mặt trời lên, chúng mày sẽ sống lại mà thôi… Bài học cho chúng mày đó, lũ xuẩn ngốc ạ. Lần sau thì đừng có mà làm tổ ở chỗ trũng nữa nhé”.

Ba ông cháu lại tiếp tục bước đi.

Danilka chỉ tay vào một cây sồi, kêu lên: “Có ong này!”.

Lũ ong ướt cánh vì nước mưa đang bâu quanh một cành cây. Chúng quá đông đến độ chẳng còn nhìn thấy vỏ cây hay lá cây nữa. Ông Terenty giảng giải: “Đó là đàn ong chia tổ. Chúng đang bay đi tìm nhà và khi mưa xuống thì chúng sẽ dừng lại. Nếu gặp một đàn ong đang bay thì chỉ cần té nước là chúng sẽ dừng lại. Giờ mà muốn mang đàn ong này về thì chỉ cần lồng cành cây này vào trong một cái túi, lắc mạnh cho chúng rụng xuống là xong”.

Mặt trời lại hé ra từ sau những đám mây, rọi xuống rừng cây, rọi xuống cánh đồng và ba người bạn vong niên những tia nắng ấm áp. Đám mây đen hậm hực ban nãy đã bay xa, mang theo cơn mưa giông. Không gian lại ấm áp và sực nức hương thơm của những hoa mận, hoa râu dê, hoa linh lan...

Ông Terenty chỉ vào một bông hoa mượt như nhung bảo: “Người ta dùng loại thảo dược này để chữa chảy máu mũi. Rất tốt đấy!”.

Một chuyến tàu hàng chầm chậm chạy qua trước mắt ba ông cháu. Đầu máy xe lửa thở hồng hộc, nhả ra từng cụm khói đen, kéo theo hơn hai mươi toa hàng. Sức kéo của nó thật ghê gớm. Lũ trẻ háo hức, không hiểu sao chiếc đầu máy không có sự sống, lại chẳng có ngựa kéo mà có thể lôi theo chừng ấy toa hàng.

Ông Terenty lại phải giải thích: “Đó là do hơi nước… lũ nhóc ạ. Hơi nước cả đấy… Hai đứa thấy không? Hơi nước xì ra ở phía dưới bánh xe đó, và nó… thấy không… nó rất hiệu quả…”.

Băng qua đường tàu, ba người bạn vong niên cứ thế đi, chẳng mục đích gì, đơn giản và ngẫu nhiên, vừa đi vừa nói chuyện… Danilka cứ hỏi; ông Terenty cứ trả lời. Chẳng có bí mật nào của thiên nhiên khiến ông phải ngần ngại. Ông biết đủ mọi thứ trên đời, như tên của những loài hoa dại, các loài động vật, các loại đá, các loại cây thuốc chữa bệnh... Cũng chẳng khó gì để ông biết được tuổi của một con bò hay một con ngựa. Nhìn mặt trời đang lặn, nhìn vầng trăng đang lên hay nhìn lũ chim đang bay, ông có thể đoán được thời tiết ngày hôm sau. Thực ra, chẳng phải chỉ mỗi ông Terenty là thông thái như vậy. Cả ông Silanty, người chủ quán cơm, người làm vườn khu chợ, người chăn cừu, và tất cả dân làng đều vậy. Họ không học nhiều từ sách vở mà họ học từ những cánh đồng, trong rừng và hai bên bờ sông. Thầy dạy họ là đàn chim đang cất tiếng hót, là vầng mặt trời đỏ ối đang lặn xuống đường chân trời, là những hàng cây hay những bụi cây thuốc…

Danilka nhìn ông Terenty như uống lấy từng lời nói. Vào mùa xuân, trước khi người ta cảm thấy mệt mỏi vì nắng nóng và cái màu xanh buồn tẻ của những cánh đồng, khi mọi thứ đều tươi mới và đầy hương thơm thì ai mà chẳng thích nghe những câu chuyện về lũ bọ vàng cánh cứng, về lũ cò hay về những con suối róc rách và những bắp ngô đang trổ hạt kia chứ?

Người thợ sửa giày và thằng bé mồ côi đi trên cánh đồng, nói chuyện cùng nhau mà không thấy mệt mỏi. Họ có thể cùng nhau lang thang khắp thế gian. Họ bước đi và trong câu chuyện về sự tươi đẹp của đất mẹ, họ quên bẵng mất con bé Fyokla đang hụt hơi chạy theo phía sau. Sẽ thật hạnh phúc biết bao nếu nó có thể khiến hai người phía trước dừng chân, nhưng nó còn biết đi theo ai nữa chứ?

Quãng giữa trưa, cả ba tới ngồi xuống bên bờ sông. Danilka lấy mẩu bánh mỳ đã thấm nước và hơi nhão ra. Ông Terenty cầu nguyện trước khi cả ba cùng ăn rồi nằm dài trên bờ sông đầy cát mà ngủ. Trong khi đó, Danilka ngồi nhìn mặt nước suy tư. Thằng bé có quá nhiều điều để nghĩ tới. Nó đã thấy cơn giông, thấy lũ ong, đàn kiến và cả đoàn tàu. Giờ trước mắt nó là đàn cá lượn lờ. Có con dài hơn 5cm; con khác lại chỉ to hơn chiếc móng tay. Một con rắn trồi đầu lên mặt nước, bơi từ bên này sang bên kia bờ sông.

Chiều muộn, ba ông cháu mới quay về ngôi làng. Lũ trẻ về ngủ trong gian nhà kho bỏ hoang, nơi trước đây người ta cất giữ ngô của xã. Ông lão sửa giày thì về quán rượu. Hai đứa trẻ rúc vào đống rơm. Danilka chưa ngủ. Nó chăm chú nhìn vào bóng đêm và hình dung lại toàn bộ những gì đã thấy trong ngày: Cơn giông, ánh nắng mặt trời, lũ chim, lũ cá, ông lão Terenty gầy gò... Những ấn tượng đó và cả cơn đói, mệt là quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ như nó. Nó trằn trọc không sao ngủ được. Nó mong được kể với ai đó về những ám ảnh của bóng tối và những gì khiến tâm trí nó rối bời, nhưng chẳng có ai. Fyokla thì còn quá nhỏ và không thể hiểu được điều nó muốn nói.

Cuối cùng nó quyết định: “Ngày mai mình sẽ kể với ông Terenty”.

Hai đứa trẻ mồ côi chìm vào giấc ngủ với nghĩ về ông lão sửa giày không nhà Terenty. Đó cũng là khi ông Terenty bước vào nhà kho, làm dấu thánh và đặt mấy mẩu bánh mỳ bên cạnh hai đứa trẻ. Sẽ chẳng ai nhìn thấy tình yêu của ông dành cho chúng, ngoại trừ ánh trăng đang lướt trên bầu trời. Ánh trăng đó đang hé rọi yêu thương vào gian nhà kho bỏ hoang, lỗ chỗ những vết thủng trên vách tường.

Truyện ngắn của Anton Chekhov (Nga) ƯU ĐÀM (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-ngay-o-dong-que-565768