Một năm sau cầm quyền, đế chế bất động sản của Trump lung lay

Tổng thống Trump, trước những nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của ông, đã ca ngợi mình là 'thiên tài rất ổn định'. Nhưng đế chế bất động sản mang tên ông có vẻ đang lung lay.

Trump từng là một thương hiệu gợi lên sự giàu sang và cao cấp. Nhưng kể từ khi ông Trump bước vào chính trường, với những lời lẽ công kích cá nhân, những tweet không đúng sự thật, và các scandal liên tiếp, Trump lại trở thành thương hiệu mà nhiều người muốn tránh xa.

Theo Guardian, nhiều tòa tháp Trump không phải do Trump sở hữu. Những tòa tháp này, cũng như các sản phẩm khác mang tên Trump, kí hợp đồng cấp phép (licensing) cho phép họ gắn thương hiệu Trump trước cổng chính và nhờ vậy trở nên có giá hơn.

“Hầu hết mọi người muốn bỏ cái tên Trump”, Audrey Nelson, một cư dân sống trong tòa tháp Trump ở quận Manhattan, trung tâm New York, nói với Guardian về một cuộc trưng cầu ý kiến giữa các cư dân trong tòa nhà. Họ đang đấu tranh với công ty của Trump để có thể gỡ bỏ thương hiệu Trump.

3 tòa tháp Trump khác trên cùng phố đã đổi tên sau khi hàng trăm cư dân kí tên yêu cầu chủ sở hữu “vứt bỏ cái tên Trump”. Thương hiệu này không còn gợi lên sự cao cấp, mà là sự kì thị, và là một nỗi xấu hổ, một cư dân giấu tên nói với Guardian.

Một nhân viên vừa gỡ những chữ cái của thương hiệu Trump khỏi chung cư 160 phố Riverside ở New York. Ảnh: Getty Images.

Một nhân viên vừa gỡ những chữ cái của thương hiệu Trump khỏi chung cư 160 phố Riverside ở New York. Ảnh: Getty Images.

Sụt giảm qua những con số

Cũng là cư dân trong tòa tháp Trump của Nelson, Harvey và Peggy Koeppel rao bán căn hộ của họ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nhưng giá nhà sụt giảm khiến họ phải chịu thiệt hại.

“Chúng tôi cứ đợi hàng tháng trời”, cho đến khi phải “chấp nhận giảm 10% so với giá rao bán”, Harvey Koeppel nói với Guardian.

Đây không phải là trường hợp đơn lẻ. AP dẫn báo cáo của công ty rao bán nhà đất CityRealty cho hay giá nhà ở 11 chung cư mang tên Trump ở Manhattan đã giảm xuống dưới mức trung bình toàn quận vào cuối năm 2017. Giá các căn hộ trong các chung cư này giảm 7% trong năm 2017, so với mức giảm 1% trên toàn Manhattan.

Phong cách làm tổng thống của Trump đã khiến các thương hiệu mang tên ông mất khách.

Cũng ở New York, khách sạn 5 sao Trump Soho đã chấp nhận đền tiền để chấm dứt hợp đồng với Trump và đổi tên thành Dominick. Trước đó, 11 trên 12 đội bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) từng ở Trump Soho đã tẩy chay khách sạn này, còn nhà hàng sushi cao cấp Koi, từng được nhiều người nổi tiếng tới ăn, phải đóng cửa vì lượng khách giảm hẳn sau cuộc bầu cử tổng thống.

Khách sạn Trump SoHo ở New York phải đổi tên vì khách hàng xa lánh khách sạn của tổng thống Trump. 79% người New York bầu cho Hillary Clinton năm 2016. Ảnh: Reuters.

Khách sạn Trump SoHo ở New York phải đổi tên vì khách hàng xa lánh khách sạn của tổng thống Trump. 79% người New York bầu cho Hillary Clinton năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tại sân golf của Trump ở ngoại ô Los Angeles, doanh thu xuống mức thấp nhất kể từ 2011. Các giải golf từ thiện của ESPN, các đoàn làm phim của Hollywood, đội bóng đá L.A. Galaxy, hay các đám cưới đã dần chuyển đi nơi khác, theo Washington Post. Ngoài ra, hai sân golf của ông ở Scotland chịu lỗ hơn 24 triệu USD trong năm 2016.

Giá phòng tại 12/13 khách sạn mang tên Trump trên thế giới đã giảm trong khoảng 10%-60% trong năm 2017, báo Telegraph dẫn một phân tích của công ty tiền tệ du lịch FairFX.

Giảm mạnh nhất là Trump Las Vegas, giá phòng cho 2 đêm giảm từ 844 USD đầu năm xuống chỉ còn 314 USD hiện tại. Giá phòng khách sạn Trump ở Anh giảm 57% trong khi Trump Doral ở Florida giảm 53%.

FairFX nhận định giá phòng hạ vì nhu cầu đặt phòng giảm, và khách du lịch cảm thấy không thoải mái với thương hiệu Trump.

“Không có chỗ cho Trump”

Nắm được tình hình này, công ty của Trump lập ra thương hiệu khác mang tên Scion. Nhưng thương hiệu này có nguy cơ tan rã trước khi lên bệ phóng vì phản đối mạnh mẽ từ công chúng.

Ở thành phố Dallas, bang Texas, một khách sạn hủy bỏ kế hoạch lấy tên Scion vì 1.000 chữ kí phản đối từ công chúng. Đến nay chỉ có 1 khách sạn ở Cleveland, Mississippi, nơi ủng hộ Trump, đồng ý sử dụng thương hiệu này.

Người biểu tình bên ngoài khách sạn Trump ở Washington DC tháng 1/2017 chống lại sắc lệnh cấm người từ một số nước đa số Hồi giáo vào Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Người biểu tình bên ngoài khách sạn Trump ở Washington DC tháng 1/2017 chống lại sắc lệnh cấm người từ một số nước đa số Hồi giáo vào Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Việc trở thành tổng thống cũng đã mang lại lợi nhuận cho Trump. Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, nơi ông Trump thường xuyên ghé qua và từng tiếp đón thủ tướng Nhật hay chủ tịch Trung Quốc, đã tăng phí gấp đôi. Khách sạn Trump ở thủ đô Washington thu lời 2 triệu USD trong 4 tháng, vượt xa dự đoán thua lỗ 2 triệu USD, theo New York Magazine.

Những nơi này đang “được mùa” nhờ lượng khách thuộc giới ngoại giao và vận động hành lang tới đây để lấy lòng tổng thống Mỹ.

Nhưng báo Guardian nhận định đó là những ngoại lệ. Trên thực tế, 2 năm rưỡi kể từ khi tranh cử, thương hiệu Trump đã bị gỡ khỏi ít nhất 7 tòa tháp ở 4 thành phố Panama, New York, Rio và Toronto, và tiếp theo có thể ở Vancouver và Chicago.

“Thành phố Toronto có tôn chỉ ‘sự đa dạng là sức mạnh’, Josh Matlow, một đại biểu thuộc hội đồng thành phố, phát biểu sau khi Trump bắt đầu chạy đua bằng việc gọi người Mexico là tội phạm và “những kẻ hiếp dâm”.

“Không có chỗ cho Trump trong hình ảnh của một thành phố đa dạng nhất thế giới”, ông nói.

Tổng thống Trump được chấm điểm sau năm đầu tại nhiệm Những người ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 thể hiện sự tín nhiệm với ông sau năm đầu nhiệm kỳ tổng thống nhưng phiền lòng với cách ông Trump sử dụng Twitter.

Trọng Thuấn
(tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mot-nam-sau-cam-quyen-de-che-bat-dong-san-cua-trump-lung-lay-post812874.html