'Món thông tin' càng ăn càng đói

Rất tự nhiên, mạng xã hội đã cạnh tranh với thông tin, báo chí truyền thống bằng chính những phương thức, thủ pháp của báo chí vốn có từ những thế kỷ qua.

Đó là cách săn lùng, tạo và nuôi thông tin, sự kiện để lôi kéo người đọc, xem, nghe đến với mình. Đơn giản bởi là thông tin hay, hấp dẫn như món ăn ngon. Và đương nhiên, “món thông tin” càng ngon thì người tiếp nhận càng theo đuổi, càng ăn càng đói.

Câu chuyện bé trai 13 tuổi đạp chiếc xe cà tàng không phanh từ Sơn La vượt núi đồi, đường xa tìm về bệnh viện tận Hà Nội để gặp mẹ và thăm em trai bị bệnh, đã gây nên sự xúc động và quan tâm của người đọc báo, đọc mạng xã hội. Các trang mạng bám sát từng bước đi của em, từng hoạt động chia sẻ, giúp đỡ của những người dân trên đường, những người bệnh, nhân viên y tế… Dòng thông tin còn chi tiết đến cả đôi dép mòn vẹt của em và tiếp nối đến cả số phận của đứa em mới sinh của cậu bé… Như vậy, dòng thông tin đó là tích cực, đồng điệu giữa tất cả các nguồn cung cấp.

Những ngày này, câu chuyện chuẩn bị ký mới hợp đồng với HLV các đội tuyển U.23 và đội tuyển quốc gia Park Hang-seo đang diễn ra sôi nổi trên báo chí và đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Xuất phát từ sự tin yêu, quý mến của người dân ta với tâm và tài của vị HLV người Hàn Quốc, những “đầu bếp”, những “nhà hàng” đã xào nấu “món thông tin” này với đủ loại gia vị và làm cực nhanh. Rồi dù có nhắc đi nhắc lại, dù thông tin có đi vòng từ Việt Nam sang Hàn Quốc, Thái Lan rồi vòng lại thì món này vẫn cứ làm người hâm mộ chỉ thêm đói mà thôi. Chắc chắn rằng chuyện này còn kéo dài dài kể cả sau khi bản hợp đồng mới sẽ được ký. Có điều, những cơn bão thông tin ngoài chuyện có ích lại kèm theo những tác động không hay như tạo sức ép lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các cơ quan liên quan như một sự thúc ép. Ấy là chưa kể những dòng bình luận nôn nóng, phê phán, chụp mũ vô lối.

Dẫu sao những khuyết tật, những giọng điệu quá trớn như vậy cũng có thể được dư luận chung thể tất, bỏ qua, song khi mạng xã hội không kiểm soát tự tung tự tác đưa những thông tin giả, xuyên tạc, dựng chuyện ác ý, xấu độc thì tác hại là khôn lường. Những cuộc vào hùa gièm pha, chê bai, bêu xấu người này người khác. Những thông tin dựng đứng về sự kiện, sự việc, nhân vật, xuyên tạc tình hình xã hội, chủ trương chính sách. Những tiếng nói hô hào đàn đúm, làm việc xấu đã từng xảy ra, biến các công cụ thông tin liên lạc hiện đại thành thứ vũ khí nguy hiểm, tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng và hành vi của một nhóm người, thậm chí nhiều người. Xã hội vốn luôn tồn tại những con người nhẹ dạ cả tin, những người háo danh, ảo tưởng quyền lực, những người tham lam, vụ lợi, cơ hội, những người dao động, bất mãn… Họ, hoặc không thể phân biệt đúng, sai hoặc cố tình lợi dụng, hùa theo. Với họ, việc săn lùng những thông tin lạ tai, trái chiều lại được xem là lý thú, thỏa mãn cơn đói thông tin.

Xã hội càng đói thông tin thì trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống, tin cậy, kịp thời càng trở nên cần thiết và cấp thiết. Thực tế cho thấy khi báo chí, truyền thông bắt nhạy kịp thời thì luồng thông tin chính xác, tin cậy đã đánh bạt những thông tin lập lờ, giả trá nguy hại. Khi người dân đang bán tín bán nghi thì càng cần sự định hướng, càng cần câu trả lời từ nơi họ vẫn hằng trông đợi. Với gia tốc mới của đời sống thông tin hiện nay thì báo chí, truyền thông chính thống càng cần vào cuộc nhanh nhạy, “ngay và luôn”. Tiếc rằng, hiện tượng báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, xa lánh cuộc sống, tâm trạng đối tượng phục vụ cùng căn bệnh chung chung, trì trệ vẫn tồn tại nơi này nơi khác. Sự phát triển của mạng xã hội cũng như mọi phương thức thông tin liên lạc với những tác động cả tiêu cực và tích cực đều góp phần thúc đẩy báo chí, truyền thông chính thống phải đổi mới mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh định hướng thông tin.

Phải có thông tin bổ ích, thiết thực đúng lúc, đúng chỗ mới thuyết phục được công chúng, mới là món ngon giữa những cơn đói thông tin.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mon-thong-tin-cang-an-cang-doi-577100