Mỗi năm Việt Nam có hơn 200 triệu lít sữa mẹ bị tổn thất
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm nay (1/8—7/8), Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ để mọi trẻ em được hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm nay diễn ra từ ngày 1-7/8 với chủ đề "Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương". Không ai nên bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo ước tính của bộ Công cụ Sữa mẹ do Dự án Alive & Thrive và Đại học Quốc gia Úc phát triển, lượng sữa mẹ tổn thất mỗi năm ở Việt Nam lên tới 249,3 triệu lít do thiếu những hỗ trợ thích đáng để mọi người mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Lượng sữa mẹ này có giá trị tương đương tới 589 nghìn tỷ đồng, hơn 25 tỷ đô la Mỹ .
Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là sự kiện của những người làm mẹ, mà còn là dịp để mọi cá nhân và toàn xã hội cùng nhìn lại và cải thiện những nỗ lực nhằm hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ.
Mọi người mẹ đều mong muốn điều tốt nhất cho con của mình, và trao cho con dòng sữa mẹ quý giá từ khi con chào đời chính là điều tuyệt vời nhất. Song vì nhiều lý do và rào cản khác nhau, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo thống kê năm 2020 của Viện Dinh dưỡng, trong 100 trẻ chỉ có 45 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Ngày 14/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2394/QĐ-BYT về việc phê duyệt tài liệu Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ. Tính tới năm 2023, Việt Nam có 5 ngân hàng sữa mẹ tại 4 tỉnh thành Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. Các ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đảm bảo việc hiến sữa hoàn toàn tự nguyện.
Dù hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam đã đủ năng lực để cung cấp cho nhu cầu trên toàn quốc, chi phí của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vẫn là rào cản chính ngăn cản trẻ sơ sinh được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng quý giá này.
Bộ Y tế đang nỗ lực kêu gọi việc đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục chi trả của bảo hiểm y tế tại Việt Nam để giúp mọi trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ non tháng, nhẹ cân và có các nguy cơ sức khỏe có bữa ăn đầu tiên an toàn và tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một phần thiết yếu của quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Không giống những công việc chăm sóc khác mà người mẹ có thể chia sẻ cùng bố, chỉ có mẹ mới có thể thực hiện thiên chức cho trẻ bú mẹ.
Vì thế, người cha và gia đinh có thể san sẻ bớt gánh nặng cho người mẹ bằng cách hỗ trợ mẹ làm việc nhà và các việc chăm sóc khác. Khi người mẹ đi làm trở lại sau thời kỳ nghỉ thai sản, gia đình cũng đóng một vai trò rất quan trọng để giúp mẹ tiếp tục duy trì sữa mẹ cho trẻ tới hai tuổi hoặc lâu hơn theo khuyến cáo của WHO. Người mẹ có thể vắt sữa, bảo quản để gia đình cho trẻ ăn bằng cốc hoặc thìa khi mẹ vắng nhà.
Thông qua chia sẻ các trách nhiệm chăm sóc một cách hiệu quả và bình đẳng, mỗi gia đình đang giúp cho trẻ được hưởng những dinh dưỡng quý giá nhất từ sữa mẹ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời không thể thay thế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Cùng với đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ thường xuyên còn giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ, giúp người mẹ phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ béo phì và bệnh mạn tính cho trẻ sau này. Sữa mẹ được tạo ra trong những tháng cuối của thời kỳ mang thai và được tiết ra sớm ngay sau khi sinh. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời, trẻ không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác, kể cả việc uống nước. Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng và duy trì đến 24 tháng.