Mọi cách giờ trông đợi Tổng thống Macron

Tuần thứ tư xảy ra biểu tình chống chính phủ trên khắp lãnh thổ Pháp không đến độ bạo lực như 3 lần trước, nhưng dường như hố ngăn cách giữa người xuống đường và chính quyền đã bị đào sâu, đồng thời tạo thêm cảm hứng vượt ra ngoài biên giới Pháp.

Người biểu tình ở Paris ngày 8/12

Đó có thể là lý do Thủ tướng Édouard Philippe nhấn mạnh đến yêu cầu cấp bách là “phục hồi tình đoàn kết quốc gia”. “Chẳng có loại thuế nào có thể làm xói mòn tình đoàn kết. Giờ đã đến lúc tất cả cùng bắt tay đối thoại, chỉ có làm việc và đối thoại với nhau chúng ta mới có thể cùng đi trên một con đường”, ông Philippe nói.

Chỉ trước đó ít phút, nước Pháp tiếp tục chứng kiến ngày thứ Bảy thứ tư có biểu tình và bạo loạn. Cũng chỉ trước đó ít phút, 125.000 người khắp nước Pháp xuống đường tuần hành, theo con số Bộ Nội vụ Pháp công bố. Dù bạo lực đã giảm so với 2 tuần trước đó, khoảng 1.000 người đã bị bắt. Người Pháp phải bỏ thói quen đi nghỉ cuối tuần. Các điểm du lịch nổi tiếng nhất thủ đô phải đóng cửa như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, Khải hoàn môn, nhà hát opera Bastille; và ít nhất 5 trận đấu giải Ligue1 của các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu nước này bị hoãn ở Marseille,

Bordeaux, Lyon, Toulouse.

Nước Pháp thứ Bảy ngày 8/12 cũng chứng kiến sự xuống đường của lực lượng an ninh khổng lồ gần 90.000 cảnh sát. Riêng tại Paris, 8.000 cảnh sát và 12 xe bọc thép đối phó “1 chọi 1” với người biểu tình. Paris vẫn là nơi thiệt hại nhất, ô tô, cửa hàng, nhà cửa tiếp tục bị phá và đốt. Lần đầu tiên trong thời bình, Paris phải huy động xe bọc thép, theo lời Thị trưởng Anne Hidalgo.

Tuần này, hơn 670 người bị bắt với vũ khí kèm theo là búa, bi sắt và nhiều đồ tự chế có thể gây chết người.

Theo hãng tin AFP, chính quyền đang điều tra cả trên mạng xã hội và truy tìm những chủ tài khoản được cho là đăng hình ảnh, thông điệp cổ súy biểu tình bạo lực. Báo Times từ Anh còn nhắc đến vài trăm tài khoản có liên quan đến Nga. Công ty an ninh mạng New Knowledge được Times dẫn nguồn nói các tài khoản này đăng hình bạo lực cũ hoặc không rõ nguồn nhằm mục đích cường điệu biện pháp bạo lực từ phía chính quyền.

Trong khi đó, cảm hứng “áo khoác vàng” đã lan sang Bỉ. Cũng vào thứ Bảy, khoảng 400 người bị bắt trong cuộc tuần hành tại Brussels. Tại một số thành phố ở Hà Lan cũng có các cuộc biểu tình hòa bình quy mô nhỏ.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner một mặt khen ngợi cảnh sát đã đối phó biểu tình hiệu quả và dũng cảm, mặt khác tự tin “gia tăng bạo lực đã bị bẻ khóa”. Nhưng Tổng thống Emmanuel Macron còn nhiều điều chưa thể tạm yên lòng. Rất nhiều khẩu hiệu hô vang hay sơn trên đường phố Paris chưa hề mất, tất cả chỉ vỏn vẹn: “Macron, từ chức”. Ông cũng bị những người xuống đường nhiều tuần qua gọi là “tổng thống của người giàu”. Tuần này, ông dự định sẽ đưa ra thông điệp, và nó có đáp ứng được hay không đòi hỏi của tầng lớp trung lưu và người nghèo về phúc lợi xã hội, lương hưu, thuế nhiên liệu có thể sẽ mang ý nghĩa quyết định.

4 tuần “dậy sóng”

- Ngày 17/11: 282.000 người biểu tình, 1 người chết, 409 người bị thương, 73 người bị bắt giam.

- Ngày 24/11: 166.000 người biểu tình, 84 người bị thương, 307 người bị bắt giam.

- Ngày 1/12: 136.000 người biểu tình, 263 người bị thương, 630 người bị bắt giam.

- Ngày 8/12: 125.000 người biểu tình, 118 người bị thương, 974 người bị bắt giam.

ĐỨC HUY

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/moi-cach-gio-trong-doi-tong-thong-macron-post232538.html