'Móc túi' phụ huynh

Những ngày đầu của năm học mới, sự độc quyền và lãng phí sách giáo khoa vẫn là câu chuyện khiến dư luận dậy sóng, bức xúc.

Mỗi năm, phụ huynh phải chi hàng nghìn tỷ đồng mua sách giáo khoa mới vì sách cũ không thể tái sử dụng. Đây là một sự lãng phí quá lớn, trong khi đất nước còn nghèo, thu nhập đầu người còn thấp. Đặc biệt, tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn, năm nào học sinh cũng thiếu sách giáo khoa, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất để học.

Con số hơn 100 triệu bản sách giáo khoa đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành phục vụ năm học 2018 - 2019 là số tiền phụ huynh học sinh phải bỏ ra không hề nhỏ. Con số này cũng tương đương với các năm học trước. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm cả trăm triệu bản sách phải bỏ đi không dùng lại được, làm lãng phí cả nghìn tỷ đồng. Lý do không dùng được sách cũ rất đơn giản, do học sinh đã viết thẳng vào sách giáo khoa vì nhiều phần bài tập yêu cầu viết luôn vào sách! Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cách làm này chỉ là tiểu xảo để bán sách, “móc túi” phụ huynh chứ không có ý nghĩa về mặt chuyên môn.
Nhưng, sự lãng phí mới chỉ là phần nổi của vấn đề. Đằng sau đó, chính là sự độc quyền, bởi lẽ, thị trường sách giáo khoa từ trước đến nay không hề có sự cạnh tranh khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm in ấn, phát hành. Mọi khâu từ in ấn, phát hành, giá cả đều phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị này. Nhà trường, phụ huynh không có sự lựa chọn. Mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, việc sách dùng một lần đó là sách tham khảo. Nhưng thực tế là, dẫu chỉ là sách tham khảo thì các bậc phụ huynh cũng không thể không mua vì nếu chỉ thiếu một quyển, việc học tập của con em họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đề cập đến câu chuyện này, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về sự lãng phí và độc quyền sách giáo khoa.
Chỉ một năm nữa cả nước sẽ triển khai chương trình – sách giáo khoa phổ thông mới, nếu không có sự giám sát chặt của Quốc hội thì phụ huynh học sinh sẽ lại oằn lưng nặng gánh đối phó với những bất cập mới.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/moc-tui-phu-huynh-325164.html